Bệnh tiểu đường tuýp một còn được gọi là bệnh tiểu đường vị thành niên, là bệnh mạn tính xuất hiện ở mọi lứa tuổi của trẻ em. Đây là bệnh tự miễn dịch phá hủy các tế bào của tuyến tụy, khiến tuyến tụy sản xuất ít hoặc không sản xuất insulin. Khi tuyến tụy không thể sản xuất và giải phóng đủ insulin nhưng lượng đường trong máu vẫn tăng cao mạn tính, gây ra nhiều vấn đề.

Để giảm thiểu nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và can thiệp sớm cho trẻ, phụ huynh có thể để ý những dấu hiệu cảnh báo liên quan đến sự thay đổi lượng đường trong máu.

Đi tiểu thường xuyên

Khi lượng đường trong máu cao, thận sẽ cố gắng khôi phục lại sự cân bằng bằng cách bài tiết lượng đường dư thừa qua nước tiểu (glucosuria), khiến cơ thể thải ra một lượng lớn nước dẫn đến nhu cầu đi tiểu thường xuyên. Đối với trẻ em mặc tã, cha mẹ có thể quan sát thấy tã bị thấm nước nhiều hơn bình thường.

Khát cực độ

Trẻ mắc bệnh tiểu đường tuýp một có nhu cầu đi tiểu nhiều dẫn đến mất nước nhiều hơn. Đi tiểu nhiều ở trẻ gây mất cân bằng chất lỏng và mất nước nên dù trẻ có uống một lượng lớn nước hoặc các chất lỏng khác, trẻ vẫn có cảm giác khát cực độ khó làm dịu.

Thèm ăn là dấu hiệu cảnh báo tiểu đường tuýp 1 ở trẻ. Ảnh: Freepik

Thèm ăn là dấu hiệu cảnh báo tiểu đường tuýp 1 ở trẻ. Ảnh: Freepik

Tăng cảm giác thèm ăn khi giảm cân

Cơ thể dựa vào insulin để vận chuyển đường vào các tế bào, từ đó các tế bào sử dụng đường làm năng lượng. Nếu không có đủ lượng insulin các mô của cơ thể rơi vào tình trạng thiếu năng lượng cần thiết để hoạt động, từ đó tăng cảm giác thèm ăn và luôn cảm thấy đói.

Đối với những trẻ nhỏ khoảng 1-3 tuổi, khi đói trẻ không biết thể hiện qua lời nói nhưng chúng có thể thể hiện cơn đói của mình bằng cách cáu kỉnh, quấy khóc và rên rỉ. Trẻ cũng có thể ăn những phần thức ăn trung bình hoặc lớn hơn mức bình thường nhưng lại giảm cân thay vì tăng cân.

Mệt mỏi, uể oải

Do các tế bào của cơ thể không được cung cấp đầy đủ lượng đường để chuyển thành năng lượng nên trẻ thường xuyên cảm thấy mệt mỏi. Các dấu hiệu mệt mỏi ở trẻ nhỏ bao gồm ngủ nhiều, buồn ngủ, thờ ơ hoặc thiếu năng lượng.

Thay đổi tầm nhìn đột ngột

Trẻ mắc bệnh tiểu đường thường bị thay đổi thị lực, nhìn kém thậm chí mờ do lượng đường dư thừa trong máu làm tổn thương các mạch máu, bao gồm cả những mạch máu cung cấp máu cho võng mạc của mắt.

Mặc dù trẻ nhỏ không thể nói rằng chúng không thể nhìn rõ hoặc mọi thứ đang bị mờ nhưng trẻ thường biểu hiện qua hành đồng đưa các vật gần với mắt hơn mức cần thiết, ngồi gần tivi hoặc không phản ứng với các chuyển động ở khoảng cách xa.

Nhiễm trùng nấm men

Khi bị tiểu đường tuýp 1 lượng đường trong máu tăng cao tạo môi trường lý tưởng cho nấm Candida phát triển ở những vùng ẩm ướt trên cơ thể. Đi tiểu nhiều và mặc tã ướt trong thời gian dài cũng khiến trẻ có nguy cơ bị hăm tã do nhiễm trùng nấm men từ bệnh tiểu đường tuýp 1.

Hơi thở mùi trái cây

Khi cơ thể không thể sử dụng đường để tạo năng lượng hiệu quả buộc các bộ phận phải đốt cháy chất béo để lấy năng lượng. Khi chất béo bị phân hủy, sản phẩm phụ được gọi là xeton được tạo ra. Xeton tích tụ trong máu và được sử dụng như một nguồn năng lượng thay thế. Xeton can thiệp vào sự cân bằng độ pH của cơ thể (sự cân bằng của axit và kiềm) dẫn đến nhiễm toan chuyển hóa khiến cơ thể có hơi thở mùi trái cây.

Hành vi bất thường

Sự phát triển của nhiễm toan chuyển hóa cộng với sự cân bằng pH bị phá vỡ trong cơ thể có thể gây ra các hành vi bất thường ở trẻ. Trẻ có thể mất phương hướng, hôn mê hoặc gia tăng cáu kỉnh, ủ rũ, bồn chồn, quấy khóc và nóng nảy.

Chữa lành vết thương kém

Việc vận chuyển các axit amin một thành phần cấu tạo của protein vào tế bào cần có insulin. Vì những người mắc bệnh tiểu đường tuýp 1 không có đủ insulin khiến quá trình phân hủy protein tăng cao. Sự phá vỡ các protein trong cơ thể làm giảm khả năng chữa lành và phục hồi các tế bào bị tổn thương của cơ thể. Do đó, trẻ em mắc bệnh tiểu đường loại 1 có tốc độ chữa lành chậm hơn, vết thương do va chạm dễ bị bầm tím và mất nhiều thời gian hơn để phục hồi.

Các vấn đề về hô hấp

Nhiễm toan chuyển hóa phá vỡ cân bằng pH tự nhiên của cơ thể vì xeton có thể làm cho máu có tính axit (pH thấp hơn). Để khôi phục độ pH về mức bình thường, cơ thể phản ứng bằng cách tăng nhịp thở giúp nâng cao độ pH của máu bằng cách tăng nồng độ oxy nhưng việc này làm giảm lượng carbon dioxide. Kết quả khiến trẻ phải thở gắng sức và thở nhanh.

Theo các chuyên gia, nếu trẻ có những dấu bất thường như sụt cân, mệt mỏi, khát và đói nhiều hơn, vết thương chậm lành... phụ huynh nên cho con làm các xét nghiệm về tiểu đường.

Theo vnexpress