Đại dịch COVID-19 và sự gia tăng rối loạn ăn uống ở thanh thiếu niên
Tính trên toàn nước Mỹ, tỷ lệ nhập viện điều trị nội trú đối với thanh niên và vị thành niên mắc chứng rối loạn ăn uống đã tăng khoảng 0,7% mỗi tháng trong 2 năm trước đại dịch. Nhưng vào năm 2020, năm đầu tiên của đại dịch, tỷ lệ này đã tăng lên mức khoảng 7,2% mỗi tháng.
Tính từ mùa xuân năm 2020 (khi hầu hết các biện pháp phong tỏa/giãn cách phòng chống COVID-19 được áp dụng) đến mùa xuân năm 2021, số ca nhập viện điều trị nội trú về rối loạn ăn uống đã tăng gấp đôi. Tình trạng này đã tăng lên mức cao nhất vào tháng 4/2021.
Tác giả nghiên cứu, tiến sĩ Sydney Hartman - Munick, Phó Giáo sư nhi khoa tại Trường đại học y Chan thuộc Đại học Massachusetts (Mỹ), cho biết: "Chúng tôi có thể chỉ ra rằng tại nhiều địa điểm trên khắp nước Mỹ, số bệnh nhân bị rối loạn ăn uống sau khi bắt đầu bùng phát đại dịch đã tăng lên đáng kể, đây không chỉ là hiện tượng xảy ra ở một nơi duy nhất".
Tiến sĩ Jason Nagata, phó giáo sư nhi khoa tại Đại học California, San Francisco (Mỹ), người không thuộc nhóm nghiên cứu, cho biết: "Các bệnh viện riêng rẽ đã báo cáo về sự gia tăng các trường hợp rối loạn ăn uống trong đại dịch, nhưng đây là nghiên cứu đầu tiên cho thấy tác động của vấn đề ở phạm vi rộng khắp".
"Rối loạn ăn uống đã và đang tiếp tục là một mối quan tâm sức khỏe cộng đồng đáng kể đối với vị thành niên và thanh niên. Rối loạn ăn uống có thể ở mức độ nặng, kéo dài và gây tử vong, và việc phục hồi sức khỏe có thể phải mất thời gian dài ngay cả khi bệnh nhân được điều trị kịp thời và thích hợp" – Tiến sĩ Nagata cho biết thêm.
Trong nghiên cứu, các nhà khoa học đã phân tích dữ liệu từ 14 chương trình y tế dành cho thanh thiếu niên của các bệnh viện thuộc nhiều khu vực trên khắp nước Mỹ trong giai đoạn 2018-2021. Kết quả cho thấy, số lượng người trẻ tìm kiếm các biện pháp và cần được điều trị liên quan tới rối loạn ăn uống đã tăng lên đáng kể.
Dấu hiệu cảnh báo và biện pháp xử lý rối loạn ăn uống
Giới trẻ bị ám ảnh về ngoại hình cơ bắp.
Các chuyên gia cho biết, có nhiều lý do có thể khiến đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến sự gia tăng số người tìm kiếm biện pháp điều trị rối loạn ăn uống như: Đó là thời kỳ không ổn định với những thay đổi trong thói quen hàng ngày, sự gián đoạn trong hoạt động cung cấp thực phẩm, sự lo lắng về sức khỏe và hoàn cảnh bị động. Bên cạnh đó, sự gia tăng đáng kể về số lượng ca mới cho thấy nhu cầu cần chuyên gia y tế được đào tạo chuyên về điều trị chứng rối loạn ăn uống, bao gồm nhân lực chăm sóc sức khỏe tâm thần và chuyên gia dinh dưỡng có chuyên môn về chứng rối loạn ăn uống.
Theo các chuyên gia, vị thành niên và thanh niên đối mặt với chứng rối loạn ăn uống cần được điều trị chuyên sâu, lý tưởng nhất là các nhóm phối hợp bao gồm các nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần, y tế và dinh dưỡng.
Tiến sĩ Nagata cho biết: "Rối loạn ăn uống có thể dẫn đến các biến chứng y khoa nghiêm trọng ảnh hưởng đến tim, não, gan, thận và các cơ quan khác. Những rối loạn này có thể ảnh hưởng đến mọi người ở mọi giới tính, chủng tộc, sắc tộc, khuynh hướng tình dục, độ tuổi và hình dáng cơ thể".
"Chúng ta không thể biết ai đó bị rối loạn ăn uống nếu chỉ dựa vào ngoại hình. Bên cạnh đó, có quan điểm cho rằng chỉ có trẻ em gái mới bị chứng rối loạn ăn uống, điều này là không đúng. Ở các trẻ trai, chứng rối loạn ăn uống thường biểu hiện như tình trạng ám ảnh về việc tập thể dục quá mức và hình tượng cơ bắp, đôi khi tập trung vào việc bổ sung các chất tăng cường cơ bắp. Những trường hợp này thường không được báo cáo và chưa được điều trị thích hợp"- Tiến sĩ Nagata cho biết thêm.
Theo các chuyên gia: "Các dấu hiệu cảnh báo cho bất kỳ ai mắc chứng rối loạn ăn uống có thể bao gồm mối bận tâm về hình thể, cân nặng, đồ ăn hoặc tập thể dục, gây tác động xấu đến chất lượng cuộc sống. Những người bị rối loạn ăn uống cũng có thể trở nên xa lánh bạn bè và từ bỏ các thói quen của họ. Các dấu hiệu cảnh báo khác bao gồm tình trạng nhịn ăn, hạn chế tiêu thụ calo đáng kể, nôn hoặc sử dụng thuốc nhuận tràng hoặc chế phẩm ăn kiêng để giảm cân".
"Các gia đình nên nêu lưu tâm nếu người thân có những dấu hiệu nêu trên và sớm đưa họ đi khám kiểm tra sức khỏe. Khi đó, bác sĩ có thể đánh giá tình trạng rối loạn ăn uống và đưa ra hướng điều trị thích hợp nhất" – Các chuyên gia nhấn mạnh.
Theo suckhoedoisong.vn