Theo một nghiên cứu của các nhà khoa học người Úc được công bố vào tháng 12/2021 trên tạp chí Clinical Endocrinology (Tạp chí Nội tiết lâm sàng & Chuyển hóa) thì chu kì kinh nguyệt bất thường có thể dự đoán bệnh tim và bệnh tiểu đường trong tương lai đối với người phụ nữ. Cụ thể, những phụ nữ có kinh nguyệt không đều có nguy cơ mắc bệnh tim mạch cao hơn 20% và khả năng mắc bệnh tiểu đường loại 2 cao hơn 17% so với những phụ nữ có kinh nguyệt bình thường.
Bác sĩ Rachel Urrutia, trợ lý giáo sư sản phụ khoa tại Trường Y UNC ở Chapel Hill, Bắc Carolina (Hoa Kỳ), người không tham gia nghiên cứu cho biết: Nghiên cứu này xác nhận những phát hiện từ các nghiên cứu trước đó là phụ nữ trong độ tuổi sinh sản nhưng có kinh nguyệt không đều có nhiều nguy cơ phát triển bệnh tim và tiểu đường hơn về sau này.
Bác sĩ Rachel Urrutia cho biết, hầu hết các trường hợp kinh nguyệt không đều có khả năng liên quan đến hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). Tình trạng này là do sự mất cân bằng hormone sinh sản, sau đó gây ra các vấn đề trong buồng trứng. Ở những phụ nữ có buồng trứng hoạt động bình thường, buồng trứng tạo ra trứng được giải phóng trong mỗi chu kì rụng trứng. Phụ nữ bị buồng trứng đa nang có thể có trứng không phát triển hoặc không được giải phóng như bình thường.
Hội chứng buồng trứng đa nang có liên quan đến các vấn đề sức khỏe khác bao gồm tiểu đường, huyết áp cao, cholesterol LDL (xấu) cao và cholesterol HDL (tốt) thấp, ngưng thở khi ngủ, trầm cảm và lo lắng...
2 việc chị em nên làm để giữ ổn định chu kì kinh nguyệt
Một chu kỳ kinh nguyệt được tính từ ngày đầu tiên có kinh nguyệt đến ngày đầu tiên của kỳ kinh nguyệt tiếp theo. Chu kỳ kinh nguyệt trung bình là 28 ngày, nhưng cũng có thể khác nhau đối với mỗi người.
Kinh nguyệt của bạn vẫn được coi là đều nếu chúng rơi vào khoảng 24-38 ngày. Kinh nguyệt của bạn được coi là không đều nếu nó đến sớm hơn hoặc muộn hơn.
Việc điều trị phụ thuộc vào việc tìm ra nguyên nhân gây ra kinh nguyệt không đều của bạn, nhưng có những biện pháp khắc phục bạn có thể thử ở nhà như sau:
1. Duy trì cân nặng hợp lý
Thừa cân hoặc thiếu cân đều có thể gây ra tình trạng kinh nguyệt không đều. Mức độ hormone bị ảnh hưởng bởi trọng lượng của bạn và lượng chất béo trên cơ thể bạn. Nếu bạn thiếu cân, với quá ít chất béo trong cơ thể, bạn có thể bị mất kinh. Còn trường hợp bạn có quá nhiều chất béo cũng có thể dẫn đến trễ kinh hoặc kinh nguyệt ra nhiều. Cân nặng dao động nhanh cũng có thể cản trở chu kỳ kinh nguyệt của bạn.
Nếu bạn muốn duy trì cân nặng vừa phải, bạn có thể nói chuyện với bác sĩ về kế hoạch tập thể dục và ăn uống sao cho khoa học.
2. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục có nhiều lợi ích sức khỏe, bao gồm cả ổn định kinh nguyệt. Tập thể dục thường xuyên có thể giúp bạn đạt được hoặc duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh, nhờ đó cũng giảm được nguy cơ bị hội chứng buồng trứng đa nang và kinh nguyệt không đều. và thường được khuyến cáo như là một phần của kế hoạch điều trị hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS). PCOS có thể gây ra kinh nguyệt không đều.
Yoga cũng có thể là một phương pháp điều trị hiệu quả cho các vấn đề kinh nguyệt khác nhau. Tập luyện yoga đều đặn 35 đến 40 phút mỗi ngày, 5 lần mỗi tuần có thể cải thiện chức năng thể chất, giảm đau, giảm sưng và chuột rút. Yoga cũng đã được chứng minh là có thể làm giảm đau bụng kinh và các triệu chứng cảm xúc liên quan đến kinh nguyệt, chẳng hạn như trầm cảm và lo lắng.
Nếu bạn chưa quen với yoga, bạn có thể tìm kiếm các video yoga trực tuyến hoặc yoga cấp độ 1 cho người mới bắt đầu. Điều này sẽ dạy bạn cách thực hiện đúng một số động tác.
Nguồn: EverydayHealth, Healthline
TT