* Gần đây, có nhiều trường hợp trẻ vị thành niên tự sát với lý do mâu thuẫn trong gia đình hay bị ép học. Vậy có cách nào để có thể phát hiện sớm những biểu hiện của các cháu không? Con gái tôi đang học lớp Mười, nhưng tôi phát hiện cháu vẽ rất nhiều bức tranh có màu sắc đen tối, bi kịch. Cháu rất ít nói và chia sẻ với mọi người trong gia đình, điều này làm tôi khá lo lắng.

Nguyễn Hường (Thanh Oai, Hà Nội)

Thạc sĩ, bác sĩ Vũ Sơn Tùng - Phó trưởng phòng Điều trị rối loạn cảm xúc Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) - trả lời: Thanh thiếu niên là lứa tuổi đang phát triển tâm sinh lý. Thường các cháu sẽ ít khi bùng phát ra bệnh, bùng phát suy nghĩ muốn tự sát mà có sự đè nén cảm xúc trước đó, có thể đến từ việc học tập, quan điểm sống của các thế hệ, muốn khẳng định bản thân. Biểu hiện có thể có, đến từ việc cáu gắt, thay đổi nhịp sinh học, sinh lý. Trẻ ăn ít hơn, ít giao tiếp với gia đình, ít tương tác với anh chị em trong gia đình và ôm điện thoại suốt ngày. Tuy nhiên, với mỗi người lại có biểu hiện, hành vi, cảm xúc khác nhau. Có khi cùng một tác nhân, ví như cha mẹ mắng với một bạn là bình thường, với người khác là buồn chán, tệ hại. 

Các nghiên cứu hiện chỉ ra, rối loạn tâm thần là một yếu tố dự báo mạnh mẽ về tự sát. Hơn 90% bệnh nhân tự sát không thành được xác định bị rối loạn tâm thần và 95% bệnh nhân tự sát hoàn thành được chẩn đoán mắc tâm thần. Các rối loạn tâm thần thường liên quan đến tự sát bao gồm trầm cảm, rối loạn cảm xúc lưỡng cực, lạm dụng chất gây nghiện khác, các rối loạn lo âu như rối loạn hoảng sợ, rối loạn stress sau sang chấn... 

Vì vậy, nếu thấy con có các biểu hiện khác lạ, có suy nghĩ tiêu cực, ám ảnh về cái chết… cha mẹ nên đưa con tới bệnh viện chuyên khoa để thăm khám. Trẻ cần đi khám sớm để xác định có bị bệnh hay chưa, mức độ như thế nào, từ đó có những hỗ trợ kịp thời.

Theo phụ nữ TPHCM