Hình ảnh mô phỏng virus Corona chủng mới - ĐẠI HỌC BANG ARIZONA
Các nhà khoa học tại Đại học bang Arizona (Mỹ) vừa phát hiện một biến thể mới của virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây Covid-19 cho thấy virus này đang có xu hướng suy yếu đi như virus gây hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) vào năm 2003.
Theo thông cáo đăng trên trang web của trường ngày 6.5, biến thể này được tìm thấy trong mẩu bệnh phẩm của một bệnh nhân tại thành phố Tempe ở Arizona.
Trong nghiên cứu, các chuyên gia sử dụng một công nghệ mới do cơ sở nghiên cứu hệ gien của trường phát triển có tên là trình tự gien thế hệ tiếp theo để phân tích gien của virus Corona chủng mới.
Sử dụng 382 mẫu dịch đường hô hấp của các trường hợp nghi mắc Covid-19 tại Arizona, họ phát hiện một biến thể của virus Corona chủng mới chưa từng được phát hiện.
Trong bộ gien AZ-ASU2923, cấu trúc đường xoắn kép của ADN trong gien ORF7 khuyết đến 81 cặp liên kết ba-zơ.
ORF7 là gien sản xuất ra protein hỗ trợ virus lây nhiễm và nhân bản bên trong cơ thể người. Protein này có thể giúp virus chống lại hệ miễn dịch, giúp chúng nhân bản và giết chết tế bào trước khi lan sang các tế bào khác.
“Quá trình này giúp virus lây nhiễm sang các tế bào khác và nhanh chóng lan rộng trong cơ thể, dần dần gây ra các triệu chứng Covid-19 nặng trong vòng 8-14 ngày kể từ lúc mới bị nhiễm”, thông cáo giải thích.
Việc bị khuyết gien sản xuất protein này cho thấy virus có thể đang yếu đi tương tự như virus gây SARS.
“Một trong những nguyên nhân khiến biến thể này thu hút sự quan tâm là vì nó phản ánh xu hướng khuyết các gien trên diện rộng từng xảy ra trong dịch SARS năm 2003”, theo chuyên gia Efrem Lim dẫn đầu nhóm nghiên cứu.
Trong giai đoạn giữa và cuối dịch SARS, virus từng có các biến thể khiến chúng tự suy yếu.
Nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm thêm để tìm hiểu về tác động của biến thể mới. Trong khi đó, tờ New York Post dẫn lời đồng tác giả nghiên cứu Matthew Scotch cho biết vẫn còn quá sớm để kết luận rằng virus Corona chủng mới đang suy yếu.
Theo thanhnien