Chiến tranh thế giới thứ hai, chế tạo bom nguyên tử, tuần làm việc ba ngày… là những sự kiện lịch sử đã để lại những ảnh hưởng lâu dài đến các thế hệ trưởng thành trong thời cuộc. Đại dịch hiện nay sẽ thay đổi thế hệ kế tiếp ra sao, từ những em bé chưa ra đời, đến các trẻ vị thành niên đang phải cách ly xã hội?
Harry de Quetteville, nhà báo của tờ Telegraph viết: “Đợt phong tỏa toàn quốc lần này cho thấy sự khác nhau rõ ràng giữa các gia đình có con và không có con. Những gia đình không con, đây là khoảng thời gian được lấp đầy bởi những bộ phim và tiểu thuyết dài tập. Ngược lại, những gia đình có con nhỏ sẽ có những thử thách mà phụ huynh chưa bao giờ trải qua. Không chỉ là phải làm giáo viên, họ còn phải trấn an và hướng dẫn con em đi qua cuộc khủng hoảng với nhiều điều không chắc chắn và sự đình trệ vô thời hạn…” .
Chính trị, xã hội, kinh tế - chắc chắn sẽ chịu nhiều thay đổi sau khi COVID-19 đi qua. Nhưng ở khắp nơi trên thế giới, một cuộc trải nghiệm đồng bộ đang diễn ra. Mỗi gia đình đang ở trong trạng thái dệt tơ làm kén, không ai biết trẻ em của chúng ta sẽ ra sao sau khi rời khỏi tổ.
Liệu thế hệ những đứa trẻ được sinh ra trong khoảng tháng 12/2020 đến 3/2021, cùng với lứa trẻ vị thành niên đang bị phong tỏa, và những đứa trẻ ở khoảng giữa chưa có tên gọi… sẽ tạo ra một thế hệ vững mạnh chói lòa và có sức bật? Hay chúng sẽ vĩnh viễn bị nỗi lo sợ ám ảnh: giữ vệ sinh thái quá bằng cách giữ khoảng cách vật lý với mọi người, cảnh giác với người già, xem bạn bè, gia đình, hàng xóm và cả bạn học là nơi khởi đầu bệnh truyền nhiễm?
Chúng ta đã luôn dạy bọn trẻ phải lịch sự, hoạt bát, vui vẻ với mọi người, nhìn vào mắt họ và bắt tay. Nay, chúng ta phải dạy chúng ngược lại. Công viên là chốn vui chơi của chúng từ khi mới chào đời, nay trở thành chỗ đáng lo ngại, không còn được nắm tay vui đùa với chúng bạn, và lại càng không được chạy theo người già, những người mà trước đây chúng ta khuyến khích bọn trẻ chạy đến chào hỏi và bắt chuyện.
Đây không phải là lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc sống của trẻ em bị thay đổi theo chiều đảo lộn hoàn toàn. Trong chiến tranh thế giới thứ hai, 800.000 đứa trẻ đang tuổi đến trường bị tách khỏi gia đình để gửi về quê. Trong hành lý gồm quần áo, giày dép, đồ dùng cá nhân, người ta còn thấy chúng phải mang theo mặt nạ chống độc, các bậc phụ huynh đã phải giải thích cho chúng như thế nào? Thế hệ sau đó chứng kiến cuộc chiến tranh lạnh, những đám mây hình nấm đã trở thành hình ảnh không thể thiếu trong các giờ học vẽ ở trường những năm 60. Một học sinh còn viết thư cho Tổng thống Kennedy: “Con lên chín tuổi, con không thích kế hoạch của ông vì con còn quá trẻ để chết”.
Không quá ngạc nhiên khi người ta thấy rằng những trải nghiệm như thế đã để lại những ảnh hưởng lâu dài. Một nghiên cứu cho thấy, những đứa trẻ bị tản cư quá sớm ở độ tuổi từ bốn đến sáu thường mắc chứng lo âu và buồn bã. Sự thật là sau ba thập niên kể từ chiến tranh thế giới thứ hai, người ta cho rằng bắt bọn trẻ tản cư đã để lại di chứng trong tâm thần tệ hơn là để chúng lại thành phố chứng kiến cảnh bom dội.
Ảnh minh họa
Trở lại với cuộc khủng hoảng và cuộc phong tỏa độc nhất vô nhị ta đang đối mặt hiện nay, yếu tố gia đình quan trọng hơn bao giờ hết. Cắt đứt mọi quan hệ với bạn thân, bạn cùng lớp, thầy cô và thế giới bên ngoài, gia đình - đã luôn đóng vai trò thiết yếu trong sự phát triển của trẻ - nay càng là yếu tố quyết định hơn bao giờ hết. “Trẻ nhỏ được hỗ trợ tốt bởi cha mẹ đang hạnh phúc với nhau, sẽ thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng này với nhiều sức mạnh hơn” - Jane Caro, phụ trách mảng sức khỏe tâm thần trẻ vị thành niên của Bộ Y tế Anh cho biết. “Những đứa trẻ kém may mắn hơn, sự phát triển của chúng sẽ có thể bị hủy hoại” - bà chia sẻ thêm.
Cuộc phong tỏa mang đến cảm giác căng thẳng, sự khác lạ và hậu quả là nó sẽ để lại các rối loạn chức năng tâm thần và xã hội. Sự ảnh hưởng này không cân bằng khi nói đến bọn trẻ. Một số được sống trong gia đình may mắn có nhiều phòng và vườn tược đủ không gian để chạy nhảy vui chơi. Số khác phải sống chen chúc trong căn hộ một phòng trong thời gian dài.
Đại dịch cũng mang lại sự chia rẽ giữa hai thế hệ già trẻ. Khi được hỏi, sự khác nhau giữa cuộc chiến tranh thế giới thứ hai và khủng hoảng COVID-19, một người lớn tuổi nhận xét: “Thời chiến tranh, mọi người sát cánh bên nhau. Trong đại dịch lần này, người trẻ phát tán vi trùng và cho rằng con vi-rút này tiêu diệt người già. Hai thế hệ đang đổ lỗi cho nhau”.
Nói cho cùng, con vi-rút này không chỉ giết chết người già và người có bệnh lý nền. Nó hủy diệt cả nền kinh tế thế giới và lối sống đang có sẵn những điểm yếu. Nhưng điều quan trọng không phải là ai sẽ đi qua đại dịch này, bởi vì dù điều gì xảy ra, thì một thế hệ mới cũng sắp bùng nổ, bao gồm cả thế hệ Corona đang đến.
Theo phunuonline