Bánh mì sandwich với bơ đậu phộng và chuối - ẢNH: SHUTTERSTOCK
Mặc dù một số người có thể cần tiêm insulin hoặc thuốc để kiểm soát lượng đường trong máu, nhưng một chế độ ăn uống lành mạnh và lối sống năng động có thể có lợi cho họ về lâu dài.
Đậu phộng có chỉ số đường huyết thấp
Nói về thực phẩm, đậu phộng là một món ăn nhẹ lành mạnh. Đậu phộng đến từ họ đậu và có họ hàng với các loại đậu, đậu lăng, đậu nành…
Một số loại đậu có chứa carbs (được coi là không tốt cho bệnh nhân tiểu đường), nhưng không phải tất cả các loại carbs đều xấu. Các loại đậu có lượng carbs tốt không ảnh hưởng tiêu cực đến lượng đường trong máu của bạn.
Theo National Peanut Board, những người bị bệnh tiểu đường nên có đậu phộng và bơ đậu phộng trong chế độ ăn uống của họ để kiểm soát bệnh tiểu đường, miễn là họ không bị dị ứng với đậu phộng.
Bánh mì và bơ đậu phộng - SHUTTERSTOCK
Đậu phộng và bơ đậu phộng có chỉ số đường huyết thấp nên an toàn cho những người bị bệnh tiểu đường. Tuy nhiên, cái gì cũng phải chừng mực, bạn đừng bao giờ lạm dụng một thực phẩm nào đó, theo Times of India.
Một lưu ý quan trọng, bạn phải coi kỹ nhãn hàng để biết hàm lượng đường và muối trước khi mua bơ đậu phộng ngoài chợ. Nên mua loại chỉ có đậu phộng là tốt nhất.
Cách thêm đậu phộng vào chế độ ăn uống của bạn
Chaat đậu phộng
Chaat (là món rau luộc nêm gia vị trong ẩm thực Ấn Độ) đậu phộng là món ăn nhẹ giảm cân lành mạnh và ngon miệng.
Rang khô một ít đậu phộng và thêm các loại rau bạn lựa chọn cùng với một ít nước cốt chanh và muối. Công thức này tạo nên một lựa chọn ăn nhẹ bổ dưỡng và lành mạnh, theo Times of India.
Bánh sandwich bơ đậu phộng
Bơ đậu phộng có chất béo lành mạnh và rất tốt cho những người mắc bệnh tiểu đường và những người muốn giảm cân. Bạn có thể thêm bơ đậu phộng vào món lắc, sinh tố hoặc làm bánh mì sandwich bằng bánh mì nhiều hạt.
Đậu phộng poha
Poha là một bữa ăn sáng phổ biến của người Bắc Ấn. Với hàm lượng calo thấp, poha khi được làm từ rau và đậu phộng, tạo nên một bữa sáng đầy đủ, theo Times of India.
Theo thanhnien