Con đường bán nhiều tinh dầu thông đỏ tại Seoul (Hàn Quốc) - Ảnh: Lương y Trần Nam Hoàn cung cấp

Ngày xưa, các công đoạn bào chế ra an cung ngưu hoàng hoàn rất kỹ lưỡng và nghiêm ngặt. Các thầy thuốc sử dụng chúng vô cùng cẩn thận vì chúng có thành phần thạch tín để chữa các bệnh suyễn, nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây ngộ độc.

Lương y TRẦN NAM HOÀN


Các sản phẩm này được giới thiệu như thần dược. Công dụng các loại này có thật như đồn thổi?

Chỉ có người Việt mua?

Theo chị H., các đoàn khách Việt Nam đều phải đến địa điểm mua thuốc vì đây là điểm thiết kế sẵn trong tour. Các hướng dẫn viên tour du lịch dẫn khách đến cửa hàng có bán các sản phẩm trên và tại đây luôn có nhân viên là người Việt, giới thiệu sản phẩm như thần dược. Nhiều tour bán luôn trên xe đò. 

Trước mặt đoàn khách, để chứng minh một trong những công dụng hữu hiệu của tinh dầu thông đỏ, họ lấy một cục mỡ động vật rồi chế tinh dầu thông đỏ vào và chỉ trong phút chốc, cục mỡ động vật tan ra.

Tại điểm bán sản phẩm, người bán dùng một thiết bị gì đó rà lên tay, sau đó màn hình hiện lên mạch máu của con người đang sạch, đang thông hay đang bị đóng mỡ - nguy cơ tắc nghẽn. Rồi họ mời tất cả hành khách trong tour du lịch lên kiểm tra và ai cũng đưa tay cho họ làm. 

Chị H. cho hay rất nhiều khách trong đoàn đã chi hàng triệu đến hàng chục triệu đồng để mua các sản phẩm trên về sử dụng dài hạn, thế nhưng hành khách ở các nước khác thì không thấy ai mua.

Cũng vừa có chuyến đi Seoul về, lương y Trần Nam Hoàn - thường vụ Hội Đông y TP.HCM - cho hay chính ông cũng thấy "màn biểu diễn" như chị H. nêu trên. Cụ thể, họ chế tinh dầu thông đỏ vào cục mút (được giới thiệu là mỡ động vật) và sau đó cục mút này dần dần tan ra thành mỡ lỏng.

"Tôi chỉ thấy người Việt mình mua thôi, còn khách du lịch ở những nước khác chỉ nhìn qua rồi cười và rời đi" - lương y Nam Hoàn chia sẻ.

Đồn thổi công dụng, coi chừng ngộ độc

Tìm hiểu nhiều nghiên cứu về tinh dầu thông đỏ, TS Trương Thị Ngọc Lan - phó viện trưởng Viện Y dược học dân tộc TP.HCM - cho hay tinh dầu thông đỏ chỉ giúp thông mạch, hỗ trợ giảm mỡ máu. Chính vì nhờ công dụng này, chúng được "tô vẽ" thêm nhiều công dụng thần kỳ khác như giúp tan mỡ máu nhanh chóng, phòng ngừa đột quỵ, tiểu đường, thậm chí cả các bệnh ung thư.

Nếu thuần túy là giảm mỡ máu, theo bà Lan, người dân cần chú ý chế độ dinh dưỡng, uống thuốc theo bác sĩ kê đơn theo từng đặc thù mỡ máu. Việc tùy tiện mua sản phẩm trên thì số tiền rất nhiều nhưng hiệu quả không biết đến đâu, thật - giả thế nào, thật sự rất nguy hiểm đến sức khỏe người sử dụng.

Còn an cung ngưu hoàng hoàn, lương y Nam Hoàn cho hay hiện nay trên thị trường rất nhiều loại an cung ngưu hoàng hoàn xuất xứ từ Hàn Quốc và cả Trung Quốc. Thành phần của loại thuốc này bao gồm: ngưu hoàng, uất kim, hoàng cầm, hùng hoàng, băng phiến, trân châu, chu sa, tê giác, hoàng liên, sơn chi và xạ hương. Trong đó, có vị hùng hoàng (hay người ta còn gọi là nhân ngôn) có chứa asen.

Ngày xưa, các công đoạn bào chế ra an cung ngưu hoàng hoàn rất kỹ lưỡng và nghiêm ngặt. Các thầy thuốc sử dụng chúng vô cùng cẩn thận vì chúng có thành phần thạch tín để chữa các bệnh suyễn, nếu sử dụng không đúng cách sẽ gây ngộ độc.

Theo nhiều quảng cáo trên mạng, an cung ngưu hoàng hoàn được cho là trị bách bệnh, nhất là đột quỵ dù rằng thuốc có giá rất cao. Tuy nhiên, lương y Nam Hoàn cho rằng đó chỉ là quảng cáo đồn thổi, tác dụng thực sự của nó không nhiều đến thế và giá cũng không "trên trời" như quảng cáo.

Phải biết mình đang dùng thuốc gì

Theo lương y Nam Hoàn, bệnh thì phải có đối chứng lập phương, cùng một bệnh nhưng có người trị được, có người không trị được. Vì vậy phải qua khám, tư vấn để thấy được mức độ bệnh mà cho uống thuốc loại nào, thời hạn bao lâu.

Hiện trên thị trường, giá thuốc an cung ngưu hoàng hoàn rất cao cho nên những người làm thuốc giả có thể dựa vào đây để kiếm lời và đây cũng là một mối nguy hiểm cho người bệnh.

Theo lương y Nam Hoàn, nhiều người tin về công dụng của một loại thuốc nào đó thông qua những lời kể chuyện như: "Tôi đã uống rồi", "Tôi đã cho người nhà sử dụng rồi", "Rất hay, chữa hết bệnh đó"... Rốt cục chúng ta chỉ nghe nói và nếu có thấy cũng chỉ thấy một vài trường hợp nên không thể cứ thế mà quyết định mua thuốc uống.

TS Ngọc Lan cũng cho rằng đây là thói quen của phần lớn người dân Việt Nam - dễ dàng chi ra khoản tiền lớn để mua các sản phẩm chữa bệnh, nâng cao sức khỏe mặc dù chưa biết chất lượng, hiệu quả sản phẩm như thế nào. Trong khi đó, đối với người nước ngoài, họ rất cẩn trọng khi đưa vào miệng một loại thuốc nào đó và chỉ sử dụng khi được bác sĩ kê toa.

"Tôi thấy người dân ta vô cùng "dũng cảm", thứ gì không biết cũng mua sử dụng. Điều này vừa lãng phí, vừa gây nguy hiểm sức khỏe cho chính mình và người thân" - bà Lan nhận định.

Trong thời đại thông tin nhiều chiều, khi có bệnh, người dân không nên tự dùng thuốc theo cảm tính, theo lời đồn, truyền tai... Cách tốt nhất là nên tới gặp bác sĩ, lương y để được khám bệnh, tư vấn, tìm ra đúng bệnh và phương pháp chữa trị.

Theo tuoitre