Các đối tượng dễ mắc loãng xương
Ai cũng có thể mắc loãng xương nhưng đối tượng dưới đây dễ mắc hơn:
- Người từ sau 40 tuổi có khả năng mắc loãng xương;
- Phụ nữ có nguy cơ mắc loãng xương cao hơn nam. Nguyên nhân chủ yếu là do khối lượng xương của nữ thấp hơn. Ngoài ra, sự thay đổi tiết tố trong quá trình mãn kinh cũng ảnh hưởng lớn đến xương.
- Người có người thân có tiền sử mắc loãng xương có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Với người từng bị gãy xương hoặc mắc các vấn đề khác về xương khớp sẽ có tỉ lệ mắc bệnh cao hơn.
- Người bị mắc loãng xương sẽ thường đi kèm theo các thói quen về ăn uống thiếu dưỡng chất có lợi cho xương như canxi, vitamin D.
- Người thường xuyên uống rượu bia và hút thuốc lá, lười vận động hay thường làm nhiều việc nặng đều có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.
- Một số bệnh lý khác cũng tiềm ẩn nguy cơ mắc bệnh loãng xương như bệnh nội tiết, viêm khớp, bệnh thận.
Phòng ngừa loãng xương
Loãng xương là bệnh lý thường gặp ở nhiều đối tượng khác nhau. Bệnh có thể đến từ nhiều nguyên nhân nên cần có động thái chủ động phòng bệnh ngay từ khi còn trẻ. Có thể phòng bệnh từ chế độ ăn uống và sinh hoạt hằng ngày.
Về chế độ ăn
Để ngăn ngừa cần tăng cường ăn bổ sung các thực phẩm giàu canxi, cụ thể như sữa, các chế phẩm từ sữa như phô mai, sữa chua,.. giữ vai trò chủ yếu, nguồn này cung cấp tới 60-80% tổng lượng canxi cần hấp thu.
Nên ăn nhiều cá (như cá hồi, cá thu, ngừ và cá đóng hộp còn xương mềm) cũng bảo đảm cung cấp nhiều canxi.
Ngoài ra, cần tăng cường thực phẩm giàu vitamin D giúp cơ thể hấp thụ tối ưu hàm lượng canxi. Một số thực phẩm chứa hàm lượng cao vitamin D bao gồm: rau lá xanh đậm (cải bó xôi, cải xoăn, rau muống,…), đậu nành, ngũ cốc...
Tập luyện giúp phòng loãng xương
Thường xuyên rèn luyện cơ thể bằng các bài tập thể dục với cường độ phù hợp nhằm tăng cường sự dẻo dai và chắc khỏe cho xương. Ghi nhận cho thấy tập luyện thể thao đóng vai trò hữu ích trong việc ngăn ngừa loãng xương, gia tăng sức mạnh các cơ, cải thiện khả năng thăng bằng, giải tỏa các cơn đau, duy trì vận động và giảm thiểu nguy cơ gãy xương.
Các loại hình tập luyện thể thao phù hợp bao gồm: Tập luyện nâng tạ, bài tập sức bền cho cơ thể, kéo giãn cơ, các bài tập về thăng bằng...
Các bài tập như thể dục nhịp điệu, khiêu vũ thể thao, đi bộ, leo cầu thang với hầu hết trọng lượng của cơ thể dồn lên đôi chân sẽ tác động trực tiếp đến hông và xương sống, giúp làm chậm quá trình mất khoáng chất, giảm thiểu nguy cơ loãng xương. Đồng thời các bài tập này cũng tốt cho sức khỏe của tim và hệ tuần hoàn.
Việc tập luyện, vận chuyển các khớp một cách linh hoạt giúp giữ cho các cơ làm việc tốt hơn. Các động tác kéo căng, co giãn thường được thực hiện tốt nhất sau khi cơ bắp được làm ấm, ví dụ như cuối buổi tập thể dục hoặc sau khi khởi động 10 phút. Những động tác này nên được thực hiện nhẹ nhàng, chậm rãi để mang đến hiệu quả cao nhất.
Tóm lại: Loãng xương là một trong những biến chứng của quá trình lão hóa. Loãng xương có thể xuất hiện ở bất kỳ ai, đặc biệt là người sau 40 tuổi. Vì vậy, khi có các vấn đề về xương khớp, người bệnh nên nhanh chóng đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám và điều trị.
Tuyệt đối không tự ý mua thuốc hay lạm dụng vào thuốc giảm đau. Bởi một số thành phần của thuốc có thể gây ảnh hưởng và làm trầm trọng mức độ loãng xương.
Người có nguy cơ mắc bệnh nên thường xuyên đo loãng xương định kỳ để kịp thời phát hiện sớm các dấu hiệu loãng xương.
Theo suckhoedoisong.vn