Sau khỏe là phải đẹp hơn
Nói đến sức khỏe phụ nữ, ta thường nghĩ về bệnh tật và sinh sản. Tuy nhiên, đó còn là sức khỏe thể chất, tâm thần và đẹp. Theo Công ty Tư vấn quản lý McKinsey (Mỹ), thị trường chăm sóc sức khỏe toàn cầu đang phát triển rất mạnh.
|
|
Phụ nữ đang có xu hướng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm và dịch vụ giúp cải thiện sức khỏe và thể chất của mình - Ảnh: CNA |
Một kết quả khảo sát từ 7.500 phụ nữ tại Anh, Mỹ, Brazil, Trung Quốc, Nhật Bản, Đức cho thấy, hầu hết người tiêu dùng nói họ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho sức khỏe và làm đẹp. “Phần lớn người tiêu dùng có kế hoạch tăng chi tiêu đặc biệt cho thuốc tăng cường trí nhớ, bổ sung cho não, giấc ngủ ngon, sản phẩm chống lão hóa, thực phẩm chức năng làm đẹp, quy trình thẩm mỹ không xâm lấn, dinh dưỡng (bao gồm dinh dưỡng thể thao), huấn luyện viên dinh dưỡng, thực phẩm tăng cường...” - trích báo cáo từ McKinsey.
Chuyên gia Shaun Callaghan của McKinsey cho biết: "60% người tiêu dùng Mỹ cho biết họ sẵn sàng mua vitamin và thực phẩm bổ sung trong đại dịch COVID-19, trong khi trước đại dịch con số đó chỉ khoảng 40%".
Chuyên gia Eric He ở Trung Quốc thì thông báo, hơn 50% số người được hỏi cho biết họ sẽ chi tiêu nhiều hơn cho các loại dịch vụ sức khỏe. "Giờ đây người tiêu dùng muốn thực phẩm không chỉ ngon mà còn giúp họ đạt được các mục tiêu về sức khỏe. Chúng tôi chắc chắn sẽ thấy sự tăng trưởng nhanh chóng về nhu cầu đối với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe trong tương lai" - Eric He nói.
Công nghệ lên ngôi
Bên cạnh những phương thức truyền thống như gặp bác sĩ, chuyên gia và được tư vấn mua thuốc, chọn sản phẩm thì những giải pháp ứng dụng kỹ thuật số hướng tới các vấn đề sức khỏe cho phụ nữ đang xuất hiện nhiều hơn. Theo Công ty nghiên cứu Global Market Insights, thị trường này có thể tăng từ 22,5 tỉ USD năm 2021 lên hơn 65 tỉ USD vào năm 2027.
Theo thống kê của FemTech Analytics, có 1.323 công ty FemTech (các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ để chăm sóc sức khỏe phụ nữ) trên toàn cầu vào năm 2021; trong đó có 41 công ty ở Đông Nam Á, với 1.292 nhà đầu tư.
“Việc số hóa y tế trên diện rộng - một phần do đại dịch COVID-19 thúc đẩy - đã tạo chất xúc tác rất cần thiết cho ngành FemTech. Ngày càng nhiều công nghệ được phát triển nhằm cải thiện sức khỏe phụ nữ. Những khía cạnh trước đây ít được đề cập đến như chuyện tình dục, sức khỏe tâm thần, thời kỳ mãn kinh... được chia sẻ, chăm sóc chi tiết” - Kate Batz - Giám đốc FemTech Analytics - nhận định.
FemTech Analytics dự đoán đến năm 2026, khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất về các ứng dụng chăm sóc sức khỏe cho phụ nữ, nhờ thái độ cởi mở hơn về các đề tài sức khỏe nữ giới. Ví dụ, người tiêu dùng ở Nhật Bản ưu tiên chăm sóc ngoại hình, Trung Quốc chú trọng đến dinh dưỡng, Philippines quan tâm đến sinh sản và kế hoạch hóa. Trong khi người tiêu dùng ở Đức chú trọng đến thể lực; Brazil và Mỹ quan tâm nhiều nhất đến chánh niệm...
Bà Haruka Motohara thuộc công ty đầu tư mạo hiểm NOW (Nhật Bản) nhận định: “Ngành công nghiệp FemTech đã mang lại giải pháp cho phái nữ trong các lĩnh vực vốn không được nhiều quốc gia thảo luận công khai. Vì thế, trong tương lai, FemTech sẽ phát triển bằng cách tạo ra các thị trường mới thông qua các sản phẩm và dịch vụ càng mới”.
Theo phụ nữ TPHCM