1. Vì sao phải dùng kem chống nắng?
Nếu không sử dụng kem chống nắng, chúng ta sẽ thấy da của mình sậm màu, mau khô. Đặc biệt là ở các vùng nhiệt đới nhiều nắng nóng làn da dễ bị thay đổi hơn, nếu không sử dụng kem chống nắng. Đó là do mỗi ngày làn da của chúng ta đều tiếp xúc với hóa chất, bụi bặm và quan trọng nhất là ánh nắng mặt trời. Tia tử ngoại làm da bị giãn ra, mỏng đi, bị bỏng và có thể tăng rủi ro ung thư da.
Dùng kem chống nắng là cách hiệu quả và an toàn để bảo vệ da trước lão hóa và ung thư da. Kem chống nắng có thể kết hợp giữ ẩm cho làn da, giúp da không bị mất nước. Dùng kem chống nắng đúng cách có thể thay đổi sức khỏe của làn da.
2. Cách chọn kem chống nắng
2.1. Chọn loại kem chống nắng có phổ tác dụng rộng
Nên sử dụng kem chống nắng mà trên bao bì có ghi thông tin "broad spectrum" (phổ rộng), nghĩa là có thể bảo vệ làn da khỏi 2 tia tử ngoại UVB và UVA.
Tia tử ngoại là tia bức xạ từ mặt trời, có bước sóng ngắn và có thể làm tổn thương da. Trong đó, tia UVA là tác nhân chính gây ra tình trạng lão hóa cho da, trong khi tia UVB có thể ảnh hưởng lên DNA tế bào da, gây ung thư da. Vì vậy, chọn kem chống nắng có thể bảo vệ cả hai tia UVA và UVB sẽ tốt hơn.
2.2. Lựa chọn chỉ số chống nắng
Hiệp hội ung thư Hoa Kỳ khuyến cáo dùng kem chống nắng SPF 30 trở lên. Chỉ số SPF là chỉ số bảo vệ của kem khỏi tia tử ngoại UVB. Chỉ số càng cao thì càng có khả năng bảo vệ làn da tốt hơn. Chỉ số SPF 15 chỉ ra có thể ngăn ngừa khoảng 93% tia tử ngoại UVB, trong khi chỉ số SPF 30 có thể ngăn ngừa đến 97%.
Trong khi đó, tăng chỉ số SPF lên 50 có thể ngăn ngừa khoảng 98% và chỉ số SPF 100 ngăn ngừa khoảng 99% tia tử ngoại UVB. Lưu ý là khi chỉ số SPF dưới 15 thì chỉ có tác dụng ngăn ngừa bỏng da chứ không có tác dụng ngăn ngừa ung thư da hay ngăn ngừa lão hóa da.
2.3. Lựa chọn kem chống nắng kháng nước
Kem chống nắng có thể rất dễ bị trôi khi chúng ta bị đổ mồ hôi hoặc khi đi bơi. Do đó, bạn nên chọn loại kem có thể tồn tại trên da ngay cả khi chúng ta ở môi trường này.
Loại trên bao bì có in chữ "water resistant" (kháng nước) có thể lưu giữ kem chống nắng trên da từ 40-80 phút khi đi bơi hoặc đổ mồ hôi khi thời tiết nắng nóng. Sau thời gian này, cần phải bôi lại kem chống nắng để có thể bảo vệ làn da.
Lưu ý là nên thoa kem chống nắng lên da ít nhất 15 phút trước khi ra ngoài trời hoặc xuống nước đi bơi để kem có tác dụng tốt nhất.
Sau khi bơi xong, lớp kem chống nắng có thể bị mất đi, đặc biệt là khi lau khô người bằng khăn tắm. Do đó cần thoa lại kem. Nếu chỉ đổ mồ hôi, thì nên thoa lại mỗi 2 giờ đồng hồ để kem có thể bảo vệ da tốt nhất.
Không nên mua sản phẩm kem chống nắng có chữ "waterproof" (chống nước). Bởi không có bất kỳ loại kem nào có thể chống nước.
2.3. Lựa chọn kem chống nắng hóa học hay vật lý?
Có 2 phân loại kem chống nắng trên thị trường là chống nắng bằng phản ứng hóa học (chemical) và chống nắng vật lý (physical).
- Kem chống nắng hóa học: Khi thoa trên da sẽ được hấp thụ trực tiếp vào bên trong làn da. Tia UV tiếp xúc với lớp hóa học này sẽ được chuyển hóa thành nhiệt và lan tỏa ra ngoài. Bằng cách này, kem chống nắng hóa học bảo vệ làn da khỏi bị nóng hay bức xạ.
- Kem chống nắng vật lý: Loại này có dùng các khoáng chất như một lớp khoáng chất bề mặt ngăn ngừa tia tử ngoại thấm vào. Khi tia tử ngoại gặp lớp kem này sẽ phản xạ ra ngoài, không đi vào da.
Cả hai loại kem này có những điểm mạnh và yếu khác nhau. Vì vậy, chọn kem chống nắng sẽ tùy vào loại da và cách dùng của mỗi người, mỗi thời điểm.
Kem hóa chất thường thấm vào da lâu hơn và bảo vệ da khi đi bơi tốt hơn so với kem khoáng chất. Vì vậy, nhiều người thích dùng kem có những hóa chất nêu trên để thoa vào da khi đi bơi hay bị đổ mồ hôi nhiều.
Trong khi đó, người có làn da nhạy cảm hay trẻ em có thể dùng kem chống nắng khoáng chất vì những kem này chỉ ở trên bề mặt, không thấm vào bên trong nên ít gây tác dụng đến làn da.
Các loại kem trên thị trường hiện nay đa số là loại kết hợp các hóa chất hay khoáng chất. Vì vậy, đọc và hiểu rõ nhãn ghi kem chống nắng sẽ giúp bạn lựa chọn dùng kem đúng cách, đúng thời điểm.
2.4. Chọn kem chống nắng theo làn da
- Nếu type da dầu nên tránh dùng kem chống nắng có gốc dầu vì thêm dầu sẽ khiến lỗ chân lông da dễ bị nghẹt thêm. Nên chọn kem chống nắng có chữ "non comedogenic", nghĩa là có thành phần hạn chế làm nghẹt lỗ chân lông. Cũng nên chọn kem chống nắng dạng phấn (power) để giúp da dễ thở hơn.
- Với type da nhạy cảm hay da mỏng, có thể dùng kem chống nắng khoáng chất và hạn chế đi bơi.
Kem chống nắng cũng có nhiều dạng bào chế như kem bôi, kem xịt, chai lăn… Chúng ta không nhất thiết phải lựa chọn loại nào là tốt hơn, mà nên chọn loại mình thích.
Đối với loại kem xịt, khi dùng nên cầm chai xịt ở khoảng cách đồng nhất và xịt nhiều lần bảo vệ tốt nhất cho da.
Lưu ý tránh xịt kem chống nắng thẳng vào vùng mắt mà nên xịt ra tay rồi thoa lên vùng da quanh mắt.
Vùng môi rất dễ bị bỏ quên dùng kem chống nắng. Thiếu kem chống nắng sẽ làm đôi môi dễ khô bỏng, và có thể tăng rủi ro ung thư da. Dùng son môi có ghi SPF 30 để bảo vệ làn da môi như da vùng da khác trên mặt.
Theo suckhoedoisong.vn