1. Tác dụng của mặt nạ đất sét

‏Mặt nạ đất sét là một sản phẩm quen thuộc trong chu trình chăm sóc da, được chiết xuất từ một số loại đất sét như Kaolin và Bentonite.

Mặt nạ đất sét chứa các thành phần khoáng chất tự nhiên lành tính như canxi, sắt, magie… 

Việc sử dụng mặt nạ đất sét có thể mang lại những tác dụng như:‏

  • Làm thông thoáng lỗ chân lông: Mặt nạ đất sét có thể hấp thụ dầu thừa và vi khuẩn, từ đó giúp loại bỏ các độc tố và tạp chất, làm thoáng lỗ chân lông, làm sạch da và ngăn ngừa mụn trứng cá.‏
  • ‏Chống viêm: Do mặt nạ đất sét còn có tác dụng chống viêm, một số nghiên cứu cho thấy đất sét có thể được sử dụng để điều trị bệnh vẩy nến, mụn trứng cá và chàm da.‏
  • ‏Hỗ trợ làm chậm quá trình lão hóa da: Theo thời gian, làn da sẽ dần mất đi tính đàn hồi do lượng collagen bắt đầu suy giảm, khả năng tái tạo elastin và collagen kém đi. Những thành phần có trong mặt nạ đất sét có thể thúc đẩy sản sinh collagen, làm giảm nếp nhăn và cải thiện cấu trúc da một cách đáng kể. Nhờ vậy đắp mặt nạ đất sét giúp ngăn ngừa các dấu hiệu của lão hóa da, giúp da sáng mịn và căng bóng hơn.
photo-1663140496700

‏Mặt nạ đất sét mang lại nhiều lợi ích cho da.‏

2. Cách sử dụng mặt nạ đất sét đối với từng loại da

‏Mỗi loại da khác nhau, cách sử dụng mặt nạ đất sét cũng khác nhau. Do đó, để đạt hiệu quả chăm sóc và ngăn ngừa tác dụng phụ khi dùng mặt nạ đất sét, bạn cần hiểu rõ về làn da của mình.‏

‏Đối với da dầu, nên đắp mặt nạ đất sét từ 1-2 lần mỗi tuần. Mặt nạ đất sét giúp lấy đi lượng dầu và độc tố dư thừa, giúp thông thoáng lỗ chân lông, hiệu quả cao trong ngăn ngừa mụn trứng cá. 

‏Đối với da hỗn hợp, có thể sử dụng mặt nạ đất sét từ 1-2 lần trong tuần. Mặt nạ sẽ giúp làm sạch da, ngăn ngừa sự tắc nghẽn lỗ chân lông do chất bã nhờn và bụi bẩn, hạn chế nguy cơ da bị mụn trứng cá. ‏

‏Đối với da khô, bạn nên lựa chọn mặt nạ đất sét đỏ sẽ an toàn hơn và hạn chế những phản ứng rát đỏ, kích ứng. Người có làn da khô không nên đắp mặt nạ đất sét nhiều hơn 1 lần mỗi tuần. Đừng quên thoa thêm kem dưỡng ẩm hoặc serum để cung cấp lại đủ độ ẩm lại cho làn da.‏

‏Đối với da nhạy cảm, tốt nhất nên thử áp dụng mặt nạ đất sét lên vùng da cổ trước để quan sát phản ứng của da. Mặt nạ đất sét Kaolin sẽ là lựa chọn hoàn hảo cho làn da nhạy cảm và chỉ sử dụng 1 lần trong tuần. ‏

‏Sau khi đã biết được tần suất đắp mặt nạ đất sét phù hợp với loại da của mình, hãy thực hiện theo quy trình sau đây:‏

  • Bước 1: Tẩy trang và rửa mặt với sữa rửa mặt. Ngay cả khi không trang điểm, bạn vẫn nên tẩy trang và rửa mặt để loại bỏ lớp bụi bẩn, dầu nhờn và vi khuẩn trên da. Việc làm sạch da nhẹ nhàng sẽ giúp các dưỡng chất có thể hấp thụ tốt hơn cho da.‏
  • ‏Bước 2: Đắp mặt nạ. Lấy một lượng vừa đủ mặt nạ đất sét bôi lên mặt, khu vực cổ và ngực. Sau đó để mặt nạ khô dần trên da tầm 10-15 phút tùy vào loại da. Tránh bôi vào các vùng da nhạy cảm như da mắt.‏
  • ‏Bước 3: Loại bỏ lớp mặt nạ. Sử dụng nước ấm và dùng tay massage nhẹ nhàng trên da để loại bỏ mặt nạ đất sét.‏
  • ‏Bước 4: Dưỡng ẩm. Thoa một lớp kem dưỡng hoặc serum để cấp ẩm cho làn da sau khi đắp mặt nạ đất sét.
photo-1663140499749
‏Chỉ nên sử dụng mặt nạ đất sét 1-2 lần/tuần.‏

3. Lưu ý khi sử dụng mặt nạ đất sét

‏Thông thường, mặt nạ đất sét không gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng. Tuy nhiên, nếu bạn đắp mặt nạ đất sét quá lâu hoặc sử dụng quá thường xuyên có thể khiến da bị khô hoặc kích ứng. Vì vậy, không nên lạm dụng sử dụng mặt nạ đất sét nhiều lần trong tuần.‏

‏Hơn nữa, một số mặt nạ đất sét cũng chứa một số thành phần như glycolic acid, có thể gây ra một số khó chịu khi sử dụng bao gồm da khô, ngứa, mẩn đỏ, phát ban. Để ngăn ngừa những phản ứng phụ trên, nên tìm hiểu kỹ các thành phần hoặc tham khảo ý kiến chuyên gia trước khi sử dụng.

Theo suckhoedoisong.vn