Xu hướng dưỡng da chú trọng tác dụng làm dịu và phục hồi đang được các tín đồ làm đẹp ưa chuộng trong thời gian gần đây. Thị trường hiện nay có nhiều dòng sản phẩm phổ biến nhưng mặt nạ đất sét luôn là sự lựa chọn đáp ứng tối ưu các nhu cầu của làn da, từ làm sáng đến cải thiện các vấn đề mụn.

Dù sở hữu nhiều công dụng nhưng dòng mặt nạ này có cách sử dụng và cơ chế tác động khác nhau trên từng loại da mà có thể bạn chưa biết.

Cơ chế hoạt động của mặt nạ đất sét trên da

Tiến sĩ Jeannette Graf, bác sĩ da liễu tại New York cho biết mặt nạ đất sét có hiệu quả trên nhiều tình trạng da. Đây là loạt mặt nạ dưỡng da có thành phần chính là đất sét tự nhiên, chứa nhiều khoáng chất có lợi cho da như sắt, canxi, kẽm, magie…

Khi sử dụng, điện tích âm trong các khoáng chất sẽ được kích hoạt để liên kết với tạp chất mang điện tích dương có trên da như bụi bẩn, bã nhờn và vi khuẩn. Nhờ cơ chế hoạt động này, mặt nạ đất sét giúp kiểm soát dầu nhờn, dưỡng da sáng mịn, làm sạch sâu và thông thoáng lỗ chân lông để ngăn ngừa mụn.

3 loại mặt nạ đất sét phổ biến nhất:

Đất sét trắng (cao lanh): Loại này có kết cấu mịn và giàu khoáng chất có lợi như kẽm, canxi, magie… với đặc tính dịu nhẹ và thấm hút tốt, giúp làm sạch lỗ chân lông và loại bỏ tế bào chết mà không gây khô da.

Đất sét Bentonite: Được hình thành từ tro núi lửa nên có màu xám đặc trưng. Là loại chất chống oxy hóa tự nhiên, giúp thải độc tố, giảm kích ứng, làm dịu da và kiểm soát dầu thừa.

Đất sét xanh: Có nguồn gốc từ thực vật bị phân hủy như tảo và diệp lục, chứa chất chống oxy hóa giúp giảm tình trạng viêm và tăng cường tuần hoàn máu.

Hướng dẫn sử dụng mặt nạ đất sét đúng cách cho từng loại da

1. Da dầu

‏Với khả năng hấp thụ dầu thừa và bã nhờn, mặt nạ đất sét là ''vũ khí'' giúp hạn chế tình trạng lỗ chân lông bít tắc gây ra mụn trên làn da dầu. Tuy giúp thấm hút dầu thừa trên da nhưng bạn chỉ nên sử dụng với tần suất 2 lần/tuần và không để mặt nạ khô căng trên da quá 15 phút.

Điều này có thể dẫn đến hiện tượng hút ẩm ngược gây kích ứng và khiến da trở nên nhạy cảm hơn. Để tối ưu hiệu quả kiểm soát dầu nhờn, bạn nên ưu tiên dòng mặt nạ chứa các thành phần như titanium dioxide, bentonite và ethanol, đồng thời hạn chế các chất gây hại như dầu khoáng, paraben, silicone…

2. Da khô

Do khả năng thấm hút và làm sạch sâu nên mặt nạ đất sét rất phù hợp cho những cô nàng có làn da khô. Chị em hãy lựa chọn các loại mặt nạ đất sét trắng dịu nhẹ, lành tính với các thành phần thảo dược và cấp ẩm cho da như tràm trà, glycerin và axit hyaluronic và chỉ nên sử dụng với tần suất 1 lần/tuần.

Ngoài ra, việc rửa mặt bằng nước ấm và sử dụng kem dưỡng ẩm chuyên dụng sau khi sử dụng mặt nạ là bước quan trọng để hạn chế tình trạng kích ứng, giúp da hấp thụ các hoạt chất từ mỹ phẩm tốt hơn.

3. Da hỗn hợp

Phương pháp multi-masking (đắp nhiều loại mặt nạ cho từng vùng da) là một trong những cách tối ưu để phát huy hiệu quả của mặt nạ đất sét trên da hỗn hợp. Để thực hiện phương pháp làm đẹp này, bạn hãy dùng mặt nạ đất sét lên phần da đổ dầu nhờn như vùng chữ T, sau đó sử dụng mặt nạ có tác dụng dưỡng ẩm ở nơi da bị khô như gò má. Áp dụng phương pháp này 1-2 lần/tuần, làn da sẽ trở nên căng bóng, mịn màng và giảm nguy cơ bị mụn trứng cá do tắc nghẽn lỗ chân lông.

Theo phụ nữ TPHCM