Nước vo gạo có phải là "thần dược" giúp mái tóc suôn mượt như lời đồn?
Cập nhật lúc 23:57, Thứ năm, 07/12/2023 (GMT+7)
Gội đầu bằng nước vo gạo đang là xu hướng trên TikTok nhưng nó đã được sử dụng ở châu Á trong nhiều thế kỷ. Vậy có bằng chứng khoa học nào chứng minh nó thật sự tốt không?
|
|
Nước vo gạo có phải là phương pháp dưỡng tóc tốt trong thời đại ngày nay? (Nguồn: Ảnh do AI tạo ra từ Bing Image Creator) |
"Nước gạo được mô tả như một loại thần dược khi tôi còn là một cô gái trẻ lớn lên ở vùng Đồng bằng sông Dương Tử ở Chiết Giang, Trung Quốc. Bà tôi dùng nó để tưới cây và nói rằng nó cũng rất tốt để rửa bát đĩa, rửa mặt và gội đầu," một phụ nữ Trung Quốc kể với SCMP.
"Gạo luôn là một phần quan trọng trong các bữa ăn hằng ngày của gia đình tôi, nhưng tôi vẫn nghi ngờ về lợi ích của lượng nước còn sót lại sau khi vo gạo. Loại nước này được cho là chứa nhiều chất dinh dưỡng, chất chống ôxy hóa và sát trùng," cô chia sẻ thêm.
"Những nghi ngờ từ thời thơ ấu của tôi lại trỗi dậy sau khi thấy xu hướng dưỡng tóc đang nổi lên trên các nền tảng truyền thông xã hội như TikTok. Những người nổi tiếng như Cardi B và Kim Kardashian đã ca ngợi lợi ích của việc sử dụng nước vo gạo khi gội đầu."
Gội đầu bằng nước vo gạo hoặc các loại nước ngũ cốc như lúa mỳ và ngô từ lâu đã trở thành truyền thống ở nhiều nước châu Á.
Kinh Lễ của Trung Quốc, một tập hợp các văn bản từ cuối thời Chiến Quốc (475-221 trước Công nguyên) mô tả các hình thức xã hội và nghi lễ, cũng đề cập đến việc sử dụng các loại nước ngũ cốc.
Một số ngôi làng ở Trung Quốc có truyền thống dùng nước vo gạo để gội đầu, trong đó có làng Huangluo Yao ở Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, phía Tây Nam Trung Quốc, được mệnh danh là “ngôi làng có mái tóc dài nhất thế giới.” Ở đó, hơn 70 phụ nữ có mái tóc dài hơn 1m.
Thay vì dùng dầu gội và dầu xả, họ gội đầu bằng nước suối và nước gạo đã lên men với vỏ yuzu, các loại thảo mộc và dầu hoa trà rồi đun sôi.
Các cung nữ ở Nhật Bản trong thời Heian (794-1185) cũng được cho là chải tóc mỗi ngày bằng nước vo gạo.
Vậy nước vo gạo có phải là phương pháp dưỡng tóc tốt trong thời đại ngày nay?
Andrea Clark, chuyên gia về tóc và da đầu làm việc tại Hong Kong và Melbourne, Australia, cho biết: “Rất nhiều thông tin về cách xử lý nước vo gạo mang tính giai thoại. Cần có thêm bằng chứng khoa học về các phương pháp dưỡng tóc này. Sức khỏe là chìa khóa để có mái tóc đẹp hơn.”
Nước vo gạo được cho là có chứa các vitamin, khoáng chất và axit amin thiết yếu - những thành phần tạo nên mái tóc chắc khỏe, bóng mượt. Tuy nhiên, khoa học đã chứng minh rằng những chất dinh dưỡng đó có thể được cung cấp từ thực phẩm chúng ta ăn, có thể nuôi dưỡng các nang tóc từ bên trong.
Nếu ai đó đang bị rụng tóc hoặc đang cố gắng nuôi tóc, họ không nên mong đợi lấy lại tóc bằng cách sử dụng nước vo gạo. Chuyên gia khuyên rằng cần ưu tiên việc tìm hiểu nguyên nhân tại sao lại xảy ra tình trạng rụng tóc.
Clark nói: “Nếu bạn không khỏe, có vấn đề về chế độ ăn uống hoặc bị căng thẳng, đây đều có thể là những nguyên nhân cơ bản gây rụng tóc."
Không có mối liên hệ chặt chẽ nào giữa tóc mọc dài và nước vo gạo. Một thông tin từ Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cho thấy những phụ nữ sống ở một ngôi làng gần làng Huangluo Yao, những người cũng sử dụng nước vo gạo để gội đầu, không có tóc dài và đen.
CCTV dẫn lời một giáo sư lưu ý rằng sự khác biệt về đặc điểm tóc giữa hai làng có thể là do di truyền.
Clark đồng ý rằng sự phát triển của tóc có thể bị ảnh hưởng bởi di truyền cũng như chế độ ăn uống và sức khỏe. Cô nói ngủ ngon, ít căng thẳng và ăn uống lành mạnh là chìa khóa để tóc phát triển khỏe mạnh hơn.
|
|
Những người phụ nữ ở làng Huangluo Yao nổi tiếng với những mái tóc cực dài. (Nguồn: China Daily) |
Một số thực phẩm phổ biến ở châu Á như rong biển, đậu phụ và các loại đậu rất giàu protein và axit amin. Các loại thảo mộc như đương quy hà thủ ô và ngũ vị tử có thể giúp tuần hoàn máu và chống rụng tóc.
Clark, người đã làm nhà tạo mẫu tóc hơn 40 năm, cho biết thêm: “Không có phương pháp điều trị nào có hiệu quả cho tất cả mọi người. Cô luôn nghi ngờ về hiệu quả của các phương pháp dưỡng tóc đang thịnh hành trên mạng xã hội, bao gồm cả nước vo gạo.
Cô nói nếu mỗi người thực sự muốn tự mình thử nghiệm phương pháp dưỡng tóc này, hãy gội đầu trước và đừng để nước vo gạo trên tóc quá lâu, chỉ nên để chúng trên tóc tối đa 20 phút trước khi xả sạch.
Những người mắc các bệnh về da như bệnh chàm phải thận trọng hơn vì đôi khi ngay cả các biện pháp tự nhiên cũng có thể gây kích ứng da./.
Theo ngaynay