Là ứng dụng giới thiệu, mua bán các sản phẩm thời trang đã qua sử dụng, Piktina không chỉ là nơi người trẻ tìm kiếm được các món đồ độc lạ, mà còn có thể giúp họ bán lại các món đồ không còn sử dụng. Kết nối nhu cầu mua và bán, Piktina giúp giải phóng, làm mới tủ đồ của mỗi cá nhân, cung cấp giải pháp kéo dài vòng đời sản phẩm thời trang, hướng đến việc giảm tiêu dùng và hưởng ứng nền kinh tế xanh.

 
leftcenterrightdel
 Trịnh Thanh Huyền (trái) và Nguyễn Hoàng Phương - hai nhà sáng lập Piktina - ẢNH: N.C.

Giao diện dễ sử dụng, trải nghiệm app mượt, hàng ngàn sản phẩm độc, lạ, giá rẻ, tiết kiệm thời gian cho người dùng… là những yếu tố hấp dẫn của Piktina. Hiện ứng dụng này có hơn 100.000 tài khoản đăng ký trong đó có 20.000 tài khoản người bán, mức độ tăng trưởng trung bình 200% mỗi tháng. Ứng dụng này đặt mục tiêu đạt tối thiểu 400.000 tài khoản đăng ký vào cuối năm 2022. 

Đứng sau thành quả này là hai phụ nữ từng rất thành công trong lĩnh vực công nghệ: Nguyễn Hoàng Phương và Trịnh Thanh Huyền. Phương từng là đồng sáng lập kiêm CEO của Be Group - ứng dụng gọi xe - và ứng dụng ngân hàng di động Cake by VPBank, nơi cộng sự của chị - Trịnh Thanh Huyền nắm vai trò lèo lái và phát triển đội ngũ. Trước khi chuyển hướng sang công nghệ, Nguyễn Hoàng Phương từng có hơn 10 năm “lăn lộn” trong ngành thời trang và hàng xa xỉ tại thị trường châu Âu và châu Mỹ, vì vậy chị hiểu rất rõ ngành thời trang. 

Theo Nguyễn Hoàng Phương, mỗi năm, có khoảng 100 tỷ sản phẩm thời trang được tạo ra trên toàn thế giới, nhưng rồi hơn 80% trong số đó sẽ trở thành rác thải. Tại Việt Nam, từ năm 2020 đến nay, ngành thời trang đạt mức tiêu thụ hằng năm trị giá ước tính trên 5 tỷ USD, mức độ tăng trưởng 10% mỗi năm. “Ít nhất 8% số sản phẩm thời trang có thể mua đi bán lại”, chị Phương nhận định.

Piktina đã nhận được nhiều sự tin tưởng, ủng hộ của nhà đầu tư và thương hiệu trong các chiến dịch tăng cường nhận thức tái sử dụng quần áo trong cộng đồng như: “Biến cũ thành cool”, “Dare 2 Rewear”, đặc biệt là sự kiện “One Step Forward - Hành trình bền vững”. Chị Trịnh Thanh Huyền chia sẻ: “Người trẻ ngày nay có xu hướng chọn đồ secondhand vì thích những thứ mới mẻ, và nhận thức của họ với vấn đề môi trường ngày một tăng. Họ mua bán đồ secondhand vì tính kinh tế, cho phép họ săn được những sản phẩm độc lạ, bộc lộ cá tính và phong cách bản thân dễ 
dàng hơn”. 

Piktina vừa kêu gọi được một triệu USD từ quỹ đầu tư mạo hiểm Touchstone Partners để phát triển dự án. Ngoài TP.HCM và Hà Nội, Piktina cũng đang dần mở rộng phạm vi đến các địa phương khác.

Theo phụ nữ TPHCM