Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 1/4 số người trưởng thành không vận động đủ, mặc dù đa số đã có ý thức về các lợi ích của việc vận động thường xuyên.

Theo Quỹ dân số Liên Hợp quốc (UNFPA), người Việt Nam nằm trong số 10 quốc gia lười vận động nhất thế giới. Nghiên cứu của Viện dinh dưỡng thế giới cũng chỉ ra rằng trung bình người Việt Nam đi bộ 3.660 bước mỗi ngày, giới văn phòng chỉ khoảng 600 bước mỗi ngày, trong khi khuyến nghị của Cơ quan Y tế dự phòng Hoa Kỳ (US CDC) là 10.000 bước.

Tuy nhiên, cũng theo WHO, chúng ta không cần chi nhiều tiền để chi cho việc tham gia các hoạt động thể. Tức là không nhất thiết phải đến các trung tâm tập luyện, tham gia các môn thể thao…

Thực tế, thuật ngữ "hoạt động thể chất" (physical activity) được WHO định nghĩa là "bất kỳ chuyển động cơ thể nào được tạo ra bởi hệ cơ xương, đòi hỏi phải tiêu hao năng lượng". Vì vậy, định nghĩa này còn bao gồm cả những hoạt động thường ngày như lên xuống cầu thang, mang vác đồ đạc, hay dắt thú cưng đi dạo, thả bộ hay đơn giản chỉ là một số động tác vận động tại chỗ trong khi làm việc.

Bạn có thể đạt được mục tiêu tổng số bước chân hàng ngày bằng cách đi dạo quanh khu nhà mình. Ảnh: Getty Images

  Hoạt động thường ngày có được coi là tập thể dục hay không?

"Có. Cơ thể bạn không biết sự khác biệt giữa việc gập người để nhổ một đám cỏ dại và gập người để nâng một chiếc tạ", Robert S. Herbst, huấn luyện viên cá nhân và nhà vô địch cử tạ, giải thích.

Các chuyên gia xếp việc tập thể dục vào hai nhóm: "thể dục chính thức" và "thể dục phi chính thức". Theo chuyên gia vật lý trị liệu Mike Murphy, chủ sở hữu Phòng khám Vật lý Trị liệu & Y học Thể thao RAPID tại Ireland, nhiều người có xu hướng coi thường thể dục phi chính thức. "Đi lên và xuống cầu thang mỗi ngày, đi đến cửa hàng, mang vác thứ gì, phơi quần áo…. Mức độ thường xuyên của những hoạt động này ảnh hưởng đáng kể đến sự tăng hay giảm trọng lượng của cơ thể", Murphy cho biết.

Dưới đây là một số hoạt động thường ngày mà theo các chuyên gia, có tác dụng tương đương như việc tập luyện thê thao.

Chạy việc vặt

Ai bảo rằng mục tiêu đi bộ một tiếng mỗi ngày của bạn không thể được thực hiện giữa các quầy hàng của siêu thị? Trên thực tế, đi bộ, mang vác, nâng đỡ, và nhiều hoạt động khác nữa đều là một phần trong quá trình bạn thực hiện các công việc vặt, và chúng đều mang lại rất nhiều lợi ích cho sức khỏe.

Dọn dẹp nhà cửa là một hoạt động tốt để nâng cao sức khỏe cũng như hoàn thành các công việc nhà cần làm. Ảnh: Getty Images

Dọn dẹp nhà cửa

Công việc dọn dẹp nhà cửa cũng bao gồm một loạt các động tác như đi lên và xuống cầu thang, di chuyển đồ đạc từ phòng này sang phòng khác, kéo và đẩy cây chổi quét nhà, và hơn thế nữa.

Dắt chó đi dạo

Có lẽ những lợi ích của hoạt động này đã rõ ràng. Bạn đang không chỉ cho thú cưng của mình tập thể dục mà cũng đang tiến gần hơn tới mục tiêu tổng số bước đi bộ mỗi ngày mà bạn đặt ra.

Đi bộ

Chắc hẳn bạn đã biết rằng ngồi nhiều trong một khoảng thời gian dài là một thói quen xấu. Thế nhưng chỉ cần đứng dậy và cử động cơ thể của bạn mỗi 30 phút sẽ mang lại nhiều lợi ích. Đi bộ là một hoạt động phù hợp để làm trong khoảng thời gian tạm nghỉ này: bạn có thể đứng dậy đi lấy thư, xuống tầng dưới để chào hỏi đồng nghiệp hay đi ra ngoài để mua một món đồ ăn vặt nào đó.

Sử dụng phương tiện công cộng

Nếu bạn thường xuyên sử dụng các phương tiện giao thông công cộng thì chắc chắn đã được trải nghiệm, dù chủ đích hay không, những hoạt động thể chất với cường độ từ thấp đến trung bình trong suốt ngày dài, ví dụ như khi chúng ta lên hoặc xuống xe buýt và toa tàu. Nếu bạn đang trễ giờ làm và phải chạy một chút, bạn sẽ càng tăng cường độ cho "bài tập thể dục" này.

Chơi đùa với trẻ em

Bạn đang làm bố hoặc mẹ? Bạn có những đứa bé trong cuộc đời của mình? Hãy chơi đùa cùng chúng, thay vì chỉ ngồi ngắm chúng từ xa trên những chiếc ghế, để mang lại những lợi ích không ngờ tới cho sức khỏe của bản thân.

Khiêu vũ

Có thể bạn là tuýp người thích khiêu vũ ở bên ngoài hoặc chỉ muốn khiêu vũ tại nhà. Dù thế nào, cả hai đều có nhiều điểm tích cực. Khiêu vũ là một bài tập toàn thân và một bài tập cardio (giúp tăng nhịp tim, đốt cháy năng lượng nhanh chóng) hiệu quả.

Cười

Bạn đã bao giờ nghe tới "yoga cười", một hình thức yoga sử dụng tiếng cười để đạt được các hiệu quả về thể chất và tinh thần? Một nghiên cứu năm 2014 đã cho thấy việc thực hành "yoga cười" có tác dụng kích hoạt cơ bụng tốt hơn cả các bài tập lưng hay gập bụng thường thấy. Vì vậy, tìm thấy càng nhiều niềm vui trong cuộc sống, bạn sẽ càng trải nghiệm được những lợi ích mà hoạt động này mang lại.

Đức Dũng/Nguồn: CNET, WHO