Ung thư bàng quang xảy ra khi tế bào ung thư phát triển trên thành bàng quang, thường là tế bào lót bên trong của bàng quang. Nếu phát hiện ở giai đoạn sớm nhất thì tế bào ung thư chỉ mới hình thành ở niêm mạc bàng quang. Khi đó, tỷ lệ trị thành công và sống qua 5 năm của bệnh nhân lên đến 97%, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).
Tuy nhiên, tỷ lệ này sẽ giảm xuống còn 71% nếu khối u ung thư đã phát triển lớn, thậm chí còn 39% nếu tế bào ung thư đã lan đến các cơ quan hoặc hạch bạch huyết xung quanh. Nếu ung thư đã di căn, tức lan đến những bộ phận xa bàng quang, thì tỷ lệ sống qua 5 năm chỉ còn 8%.
Tiểu nhiều là tình trạng mà một người tiểu hơn 8 lần/ngày và gây khó chịu. Ngoài ra, tiểu hơn 2 lần/đêm cũng được xem là tiểu nhiều. Tuy nhiên, không phải lúc nào tiểu nhiều cũng là dấu hiệu cơ thể bất thường.
Các chuyên gia cho biết thỉnh thoảng đi tiểu nhiều là hoàn toàn bình thường. Chẳng hạn, uống rượu bia, caffein hoặc uống nước quá mức có thể khiến chúng ta đi tiểu nhiều hơn. Ăn thức ăn cay đôi khi cũng có thể gây kích ứng bàng quang và làm buồn tiểu.
Với ung thư bàng quang, tiểu nhiều sẽ kèm theo triệu chứng khác như đau rát khi đi tiểu, khó tiểu, dòng nước tiểu yếu, phải thức dậy để đi tiểu nhiều lần trong đêm. Người bệnh cũng sẽ tiểu ra máu và đây là một trong những dấu hiệu cảnh báo rõ ràng nhất của bệnh.
Ngoài ra, một điều cần lưu ý rằng tiểu nhiều cũng là triệu chứng phổ biến của một số vấn đề sức khỏe khác như nhiễm trùng đường tiết niệu, phì đại tuyến tiền liệt, viêm âm đạo hay các vấn đề liên quan đến thần kinh.
Dù nguyên nhân là gì nhưng các chuyên gia khuyến cáo người bệnh nên đi khám nếu tiểu nhiều ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc. Đặc biệt, họ cần được chăm sóc y tế nếu tiểu nhiều kèm theo các triệu chứng như đau cơ, sốt, nôn mửa, ớn lạnh, khát nước, mệt mỏi, nước tiểu có máu, nước tiểu đục hoặc tiết dịch từ âm đạo, dương vật. Tùy vào triệu chứng mà bác sĩ sẽ có cách chẩn đoán và điều trị phù hợp, theo Healthline.
Theo Thanh niên