leftcenterrightdel
Vaccine sởi, quai bị, rubella (MMR) được cho là cách hiệu quả nhất để phòng bệnh sởi. Ảnh:News Medical.  

Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) ngày 18/3 đã phát đi cảnh báo y tế đến các bác sĩ nhằm tăng cường cảnh giác trước tình hình dịch sởi lây lan toàn cầu, CNN đưa tin.

CDC Mỹ cũng kêu gọi các gia đình có trẻ sơ sinh, có kế hoạch đi du lịch nước ngoài thì nên tiêm phòng cho trẻ 6 tháng trước khi khởi hành.

Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh thế giới bước vào mùa cao điểm du lịch. Một số quốc gia là điểm đến ưa thích của du khách Mỹ đang có những đợt bùng phát sởi, CDC Mỹ thông tin.

Cơ quan này cũng chỉ ra thực trạng tỷ lệ tiêm vaccine dưới mức kỳ vọng ở 36 bang Mỹ, với tỷ lệ trẻ em mầm non được tiêm chủng ở mức 93%, chưa đủ 95% để được coi là miễn dịch cộng đồng.

Dù vậy, bác sĩ Nirav Shah, Phó giám đốc CDC Mỹ, cho rằng tốc độ tiêm vaccine sởi ở nước này là “khá cao”. Ông Shah nói thêm 2 điểm phần trăm có vẻ không nhiều, nhưng nó tương đương 250.000 trẻ em mầm non chưa được bảo vệ.

Vaccine là một trong những biện pháp phòng bệnh tốt nhất. Hai liều vaccine sởi có thể ngăn chặn lây nhiễm đến 97%.

CDC Mỹ cũng đã cập nhật hướng dẫn du lịch, cho biết những người chưa rõ về tình trạng tiêm chủng nên đến gặp bác sĩ 6 tuần trước khi đi du lịch nhằm đảm bảo miễn dịch đầy đủ, thay vì gặp trước một tháng như hướng dẫn trước đây.

Thông thường, trẻ sơ sinh sẽ được tiêm phòng Sởi - quai bị - rubella (MMR) khi tròn một tuổi. CDC Mỹ cho biết họ đang khuyến nghị tăng thời gian tiêm vaccine sớm hơn vài tháng nhằm bảo vệ trẻ trước nguy cơ lây nhiễm cao từ dịch sởi.

Virus sởi rất dễ lây lan trong không khí hoặc khi tiếp xúc với bề mặt bị nhiễm. Người mắc sởi có thể lây truyền bệnh trước và sau 4 ngày xuất hiện phát ban, triệu chứng đặc trưng của bệnh.

Trẻ dưới 5 tuổi, người già, phụ nữ mang thai và người có hệ miễn dịch yếu là những đối tượng dễ gặp biến chứng nghiêm trọng do sởi, có thể gây viêm phổi và tử vong.

Trên thế giới cũng ghi nhận dịch sởi tăng trong thời gian gần đây. Tại WHO khu vực châu Âu, bao gồm một số nước châu Á, số ca mắc sởi đã hơn 30 lần, từ dưới 1.000 trường hợp trong năm 2022 lên hơn 30.000 trường hợp vào năm 2023.

Dữ liệu mới nhất của WHO cũng cho biết so với năm 2021, số ca sởi trong năm 2022 đã tăng 18%, lên 9 triệu trường hợp, trong đó có 136.000 ca tử vong, tăng 43%.

Theo lifestyle.znews