Chứng mặc cảm thấp kém là gì?
Theo Hiệp hội Tâm lý học Mỹ, mặc cảm thấp kém được hiểu là khi ta luôn luôn cảm thấy như những gì ta làm là chưa đủ hay cảm thấy tự ti, bắt nguồn từ việc ta cho rằng mình kém hơn những người khác về mặt thể chất hay tinh thần, bất kể là những suy nghĩ đó có cơ sở hay không.
Có hai kiểu xử lý khi gặp vấn đề này: Hoặc là người bệnh bị ảnh hưởng tới mức họ hiếm khi tương tác với những người khác, hoặc là họ trở nên ganh đua quá mức để chứng tỏ rằng mình không thấp kém. Kiểu thứ 2 có thể trong một số trường hợp phát triển thành phức cảm thượng đẳng.
Điều gì gây ra mặc cảm thấp kém?
Cảm thấy thấp kém là điều bình thường khi ta còn là trẻ con. Đối với trẻ con những cảm giác đó là động lực để phát triển và trở thành những con người có ích với xã hội. Những đứa trẻ được dạy cách đối mặt thử thách có thể vượt qua được những cảm giác mặc cảm, tự ti và học cách chấp nhận những thử thách trong cuộc sống mà không cảm thấy xấu hổ vì thấy khó khăn. Tuy nhiên, đôi khi những cảm giác tự ti có thể trở nên lấn át, có thể vì tổn thương tâm lý, ngược đãi hay khiếm khuyết về tâm thần hoặc thể chất, rồi từ đó chúng bám theo tới tận lúc lớn lên theo những cách không lành mạnh.
Dựa theo mô hình các giai đoạn phát triển tâm lý xã hội của Erikson, những đứa trẻ bị bạo hành về cả mặt tinh thần hoặc thể chất, đặc biệt là do không thể làm những việc quá khó, có thể sẽ ghi nhận những mặc cảm đó và mất đi sự tự tin. Những đứa trẻ bị thiếu thốn tình thương do bố mẹ không coi trọng hoặc chỉ vì cha mẹ không đủ quan tâm có thể cố gắng đạt nhiều thành tựu để có được sự chú ý. Nếu như khi đó mà đứa trẻ vẫn không được quan tâm, chúng có thể hiểu điều đó nghĩa là mình chưa đủ tốt để nhận được chú ý từ cha mẹ và từ đó phát triển cảm xúc thấp kém, mặc cảm.
Phái nam đặc biệt dễ mắc chứng mặc cảm thấp kém, thường là do "tính nam độc hại", một hiện tượng mà khi đó đàn ông tin rằng họ phải nén lại những cảm xúc thông thường và phải giỏi hơn những người đàn ông khác về mặt tinh thần, thể chất và tài chính thì mới có thể được coi là nam tính. Đàn ông cũng thường hay cảm thấy mặc cảm khi so sánh mình với người cũ của đối phương trong mối quan hệ.
Những hậu quả của chứng mặc cảm thấp kém
Đối với người lớn, cảm thấy mặc cảm với một lượng nhất định là hoàn toàn bình thường, đặc biệt là khi chúng ta tự so sánh mình với những cá nhân ưu tú hơn. Tuy nhiên, bất kỳ hành vi bình thường nào nếu bị vượt quá tầm kiểm soát thì đều sẽ trở nên bất thường. Điều này cũng áp dụng với chứng mặc cảm thấp kém. Những người mắc chứng này thường cảm thấy mặc cảm, tự ti một cách quá độ và ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc sống thường ngày.
Người bệnh thường sẽ dễ hành động rủi ro, lạm dụng đồ uống có cồn, chất kích thích và cư xử hung hăng hơn. Họ cũng có xu hướng sẽ mắc những bệnh tâm lý như trầm cảm và lo âu.
Triệu chứng chính của mặc cảm thấp kém là thiếu tự trọng, nhiều đến mức mà có những nhà tâm lý học sử dụng hai từ này thay cho nhau. Thiếu tự trọng có thể khiến người bệnh trở nên xa cách với người khác do họ cho rằng mình thấp kém hơn những người bên cạnh. Nó cũng có thể dẫn tới cảm giác bất lực và vô vọng mỗi khi người mắc muốn đạt được mục tiêu, thành tích nào đó, hoặc thậm chí kể cả khi mục tiêu đó được hoàn thành, thì vẫn là chưa đủ.
Những người bị chứng mặc cảm thấp kém thường được người khác nhìn nhận là những con người ganh đua thành tích quá mức. Điều này là do họ cảm thấy nếu như không có thành tích thì mình sẽ bị coi là thấp kém vì thói quen cảm thấy quá tải nếu như không thể đạt được những mục tiêu quá cao mà họ đề ra, để rồi bỏ cuộc giữa chừng tất cả những mục tiêu đó.
Trái với mặc cảm thấp kém là phức cảm thượng đẳng. Nhiều người bị phức cảm thượng đẳng thật ra chỉ đang bù đắp cho cảm giác thấp kém trong lòng. Họ thường trở nên ganh đua thành tích để chứng tỏ mình thượng đẳng và gạt bỏ cảm giác tự ti, thấp kém.
Cách chữa trị chứng mặc cảm thấp kém
Mặc cảm thấp kém được chữa trị tốt nhất là với sự giúp đỡ của một nhà trị liệu. Loại trị liệu phổ biển nhất với chứng này là liệu pháp Adlerian. Đầu tiên, nhà trị liệu sẽ chẩn đoán dựa trên những yếu tố như tần suất bạn cảm thấy thấp kém hơn người khác, những mục tiêu bạn tự đặt ra cho bản thân là gì, chúng có thực tế không và mối quan hệ giữa bạn với cộng đồng cũng như những người thân thiết.
Tiếp theo, nhà trị liệu có thể lựa chọn một trong số nhiều bài luyện tâm lý để giúp bạn cải thiện, ví dụ như tôn trọng những thành tựu cá nhân trước đây hoặc giúp bạn mở rộng giao tiếp với những người khác. Trong nhiều trường hợp, đề cập tới nguyên do của cảm giác tự ti có thể giúp bạn thấy dễ chịu hơn và vượt qua nó, đặc biệt là nếu như chúng là hệ quả của ngược đãi, tổn thương từ tuổi thơ.
Từ đó, cuộc trị liệu sẽ dần trở nên cá nhân hơn, bạn có thể tạo ra những mục tiêu và phương pháp cùng với nhà trị liệu của mình. Mỗi người chúng ta đều khác nhau và sẽ có những phản ứng riêng với việc trị liệu.
Nếu như bạn không biết bắt đầu từ đâu, tốt nhất bạn nên tìm một bác sĩ trị liệu sức khỏe tâm thần để được giúp đỡ.
Theo suckhoedoisong.vn