Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến các vấn đề về sức khỏe tâm thần ở trẻ trước tuổi 14. Trong đó phổ biến là xung đột gia đình như xung đột giữa phụ huynh, xung đột tâm lý giữa cha mẹ với con cái, áp lực học hành, điều kiện kinh tế, môi trường theo học...
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới năm 2021, cứ 7 người 10 - 19 tuổi thì có 1 người bị rối loạn tâm thần, chiếm 13% gánh nặng bệnh tật toàn cầu ở nhóm tuổi này. Tự tử là nguyên nhân thứ tư gây tử vong ở lứa tuổi 15 - 19. Đặc biệt, có khoảng 50% các vấn đề về sức khỏe tâm thần xảy ra trước tuổi 14 nhưng lại thường ít được quan tâm.
Trong đó có 6 rối loạn tâm thần thường gặp và gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, quá trình trưởng thành của trẻ sau đây:
1. Rối loạn lo âu
Nhìn chung, rối loạn lo âu là sự lo sợ quá mức trước một tình huống xảy ra, có tính chất mơ hồ, vô lý, lặp lại và kéo dài, ảnh hưởng tới sự thích nghi cuộc sống. Trong đó, rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD), ám ảnh xã hội và rối loạn căng thẳng sau chấn thương (PTSD) cũng được phân loại vào nhóm rối loạn lo âu.
Rối loạn lo âu rất phổ biến và có thể bắt gặp trong nhiều giai đoạn phát triển của trẻ. Ở các độ tuổi khác nhau sẽ có những biểu hiện khác nhau. Ví dụ như trẻ sơ sinh thì hay giật mình, quấy khóc, dễ cáu kỉnh. Trẻ mầm non có thể sợ hãi, không muốn rời xa cha mẹ, luôn nhút nhát và có thể kèm theo chán ăn, quấy khóc, rối loạn giấc ngủ.
Hay trẻ trong độ tuổi đi học hoặc vị thành niên thiếu tập trung trong lớp, học lực sa sút, sợ giao tiếp với bạn cùng lớp và giáo viên. Có thể hay xung đột với các bạn trong lớp do lo lắng, xung đột tâm lý với người lớn, bỏ nhà đi.
2. Rối loạn ăn uống
Rối loạn ăn uống ở trẻ được định nghĩa là tình trạng trẻ gặp vấn đề về cách ăn uống liên quan về mặt tâm lý, không phải do thức ăn. Nó gây ra các bất thường về ăn uống chẳng hạn như chán ăn và chứng ăn vô độ, hoặc cũng có thể là mối bận tâm quá độ với đồ ăn hay cân nặng, hình dáng cơ thể.
Bệnh này thường xuất hiện nhiều hơn khi trẻ bước vào giai đoạn dậy thì. Nó gây ảnh hưởng đến sức khỏe, cảm xúc và mối quan hệ của trẻ. Thậm chí, nó có thể dẫn đến tử vong sớm, thường do các biến chứng y tế hoặc tự tử, và có tỷ lệ tử vong cao hơn bất kỳ rối loạn tâm thần nào khác.
3. Rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)
Rối loạn tăng động giảm chú ý là một rối loạn sinh học thần kinh, đặc trưng bởi giảm tập trung chú ý rõ rệt kết hợp với tăng hoạt động quá mức, thiếu kiềm chế. Theo WHO, có khoảng 4 - 6% trẻ em trên toàn thế giới gặp vấn đề này. Đặc biệt, bệnh thường phổ biến ở trẻ nhỏ, dưới 14 tuổi hơn trẻ vị thành niên và tỷ lệ mắc ở bé trai cao hơn 3 lần bé gái.
Có 3 thể bệnh, bao gồm thể tăng động, xung động nổi trội, thể giảm chú ý nổi trội và thể kết hợp cả tăng động và giảm chú ý. Bệnh ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt hằng ngày, giao tiếp, học hành và thậm chí có thể dẫn đến hành vi phạm tội. Vì vậy, các bậc phụ huynh cần chú ý đến các dấu hiệu nhận biết đặc trưng để phát hiện kịp thời.
Các biểu hiện giảm chú ý phổ biến như khó tập trung lâu, dễ bị ảnh hưởng bởi yếu tố bên ngoài, khó làm theo hướng dẫn, hay quên hoặc mất đồ, không thích hoạt động tư duy… Còn các biểu hiện tăng hoạt động thường gặp là hay bồn chồn, luôn cử động chân tay, nói quá nhiều, trả lời bộc phát, hay chen ngang vào hội thoại hoặc công việc của người khác…
4. Tự kỷ
Tự kỷ là một tập hợp các rối loạn phát triển lan tỏa ở mức độ khác nhau từ nhẹ đến nặng, có thể khởi phát sớm từ khi trẻ trước 3 tuổi và diễn biến kéo dài. Trẻ trai bị nhiều hơn trẻ gái từ 4 đến 6 lần.
Biểu hiện chung của bệnh tự kỷ bao gồm những khiếm khuyết trong 3 lĩnh vực là kém tương tác xã hội, kém giao tiếp và hành vi bất thường. Bên cạnh đó trẻ thường có rối loạn cảm giác. Nhiều trẻ tự kỷ có kèm theo tăng động và trí tuệ kém. Khoảng 3/4 số bệnh nhân có kèm theo chậm phát triển trí tuệ ràng buộc và một số trẻ em có khả năng tốt hơn ở một số khía cạnh trong cảnh chậm phát triển trí tuệ nói chung.
5. Rối loạn trầm cảm
Rối loạn trầm cảm được đặc trưng bởi nỗi buồn hoặc khó chịu nghiêm trọng hoặc dai dẳng, đủ để ảnh hưởng đến tâm lý, hành vi và sức khỏe tổng thể. Bệnh lý này có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng phổ biến hơn là trong và sau giai đoạn dậy thì.
Biểu hiện là trẻ luôn buồn bã, dễ khóc, mệt mỏi, mất quan tâm hoặc thích thú trong hầu hết các hoạt động. Trẻ thường bị thiếu cân, bất thường về ăn uống như giảm hoặc tăng cảm giác thèm ăn. Có thể hay mất ngủ hoặc gặp chứng đau nửa đầu, dễ bị kích động, giảm khả năng tư duy, khó đưa ra quyết định lựa chọn, luôn thấy mình vô dụng hoặc thậm chí là nghĩ đến cái chết hoặc cố tự tử.
6. Bệnh tâm thần phân liệt
Tâm thần phân liệt ở trẻ em là một rối loạn tâm thần không phổ biến nhưng là bệnh nghiêm trọng. Bệnh liên quan đến một loạt các vấn đề về suy nghĩ (nhận thức), hành vi hoặc cảm xúc. Nó có thể dẫn đến một số kết hợp của ảo giác, ảo tưởng, suy nghĩ và hành vi cực kỳ rối loạn làm suy giảm khả năng hoạt động của trẻ.
Tâm thần phân liệt ở trẻ em về cơ bản giống như tâm thần phân liệt ở người lớn, nhưng nó xuất hiện sớm, có tác động sâu sắc đến hành vi và sự phát triển của trẻ. Với tâm thần phân liệt ở trẻ em, tuổi khởi phát sớm đưa ra những thách thức đặc biệt trong chẩn đoán, điều trị, giáo dục, phát triển cảm xúc và xã hội.
Ngọc Ái/Nguồn: Sina, WHO, Asia One