|
|
Trà sả rất tốt cho sức khoẻ |
Cây sả được sử dụng phổ biến trong các món ăn của Việt Nam, tốt cho sức khoẻ. Dưới đây là thông tin về củ sả cũng như tác dụng của củ sả với sức khoẻ.
Thành phần dinh dưỡng của củ sả
Bài viết trên website Bệnh viện Đa khoa Medlatec có sự tham vấn y khoa của BSCKI. Dương Ngọc Vân cho biết, củ sả được dùng rất phổ biến làm gia vị chế biến thức ăn.
Ngoài làm tăng hương vị thơm ngon cho món ăn, sả có nhiều thành phần giá trị và ích lợi đối với sức khỏe con người. Trong củ sả có hàm lượng chất dinh dưỡng dồi dào và phong phú.
Trong đó phải kể đến hàm lượng khoáng chất đa dạng (sắt, magiê, kali, kẽm), cùng hàm lượng folate rất cần thiết cho cơ thể.
Ngoài ra, sả còn có hàm lượng mangan cao, đây là dưỡng chất thiết yếu cho cơ thể với tác dụng hàng đầu là phòng ngừa bệnh loãng xương, thiếu máu và một số bệnh lý khác.
Tác dụng của trà củ sả với sức khoẻ
Báo Sức khoẻ & Đời sống dẫn nguồn trang Healthshots cho biết, dưới đây là những tác dụng của trà sả với sức khoẻ nếu sử dụng đúng cách.
Tốt cho tiêu hoá
Trà sả có thể giúp ứng phó với các vấn đề về tiêu hoá như giảm: Buồn nôn, táo bón, đầy hơi và làm dịu dạ dày... giữ cho hệ tiêu hoá hoạt động tốt.
Một nghiên cứu so Viện Y tế Quốc gia năm 2021 cho thấy, sả có tác dụng chống loét dạ dày, giúp giảm đau bụng.
Giảm huyết áp
Sả có nhiều kali và giúp tăng sản xuất nước tiểu trong cơ thể. Điều này sẽ làm giảm huyết áp và tăng cường lưu thông máu. Theo một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Medical Forum, sả hiệu quả trong việc giảm huyết áp.
Hỗ trợ giảm cân
Trà sả được sử dụng như loại trà giải độc để tăng cường trao đổi chất, giúp hỗ trợ quá trình giảm cân.
Theo một báo cáo năm 2013 được công bố trên Tạp chí Dinh dưỡng Lâm sàng Hoa Kỳ, sự hiện diện của các hợp chất polyphenol và hàm lượng caffeine trong sả làm tăng tiêu hao năng lượng và quá trình oxy hóa chất béo, do đó góp phần giảm cân.
Ngừa ung thư, chống lão hóa
Theo nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Nông nghiệp và Hóa thực phẩm cho thấy, sả chứa nhiều chất chống oxy hóa.
Các chất chống oxy hóa này có khả năng chống lại các gốc tự do, nguyên nhân gây ra sự phát triển của các tế bào ung thư cũng như lão hóa sớm.
Giảm stress
Sả là thành phần có trong công thức thảo dược có thể giúp giảm lo lắng và căng thẳng.
Tốt cho tim mạch
Sả được sử dụng để điều trị cholesterol cao và kiểm soát bệnh tim. Một bài báo đăng trên Tạp chí Công nghệ & Nghiên cứu Dược phẩm đã kiểm tra tác động của sả đối với chuột.
Người ta phát hiện ra rằng, ăn sả làm giảm mức cholesterol, và do tác động đáng kể của việc giảm cholesterol, nó có thể tăng cường sức khỏe tim mạch và bảo vệ khỏi các bệnh tim lớn.
Nói chung, sả chứa quercetin, một loại flavonoid được biết đến có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch. Hơn nữa, nó rất hữu ích trong việc kiểm soát các vấn đề về cholesterol cao.
Tăng cường sức khỏe răng miệng
Theo nghiên cứu năm 2012 được công bố bởi Viện Y tế quốc gia, các đặc tính kháng khuẩn của sả giúp chống lại vi khuẩn streptococcus sanguinis, vi khuẩn gây sâu răng.
Tác dụng phụ của sả
Sả nói chung an toàn cho hầu hết mọi người nhưng vẫn có một số tác dụng phụ và tương tác tiềm ẩn cần cân nhắc khi sử dụng sả bằng đường uống, bôi tại chỗ hoặc trị liệu.
Báo VietNamNet dẫn nguồn trang Sciencedirect cho hay, nghiên cứu của khoa Da liễu, Đại học Missouri (Mỹ) ghi nhận, nhiều loại tinh dầu sả có khả năng gây viêm da tiếp xúc dị ứng.
Ngoài ra, hấp thụ một lượng lớn chiết xuất sả có thể gây ra các tác dụng phụ như chóng mặt, buồn ngủ, khô miệng, tiểu nhiều.
Khi dùng lượng lớn trong thời gian dài, sả có thể gây tổn thương chức năng gan, dạ dày hoặc thận.
Những người mang thai được khuyên tránh ăn sả vì nghiên cứu cho thấy một số hợp chất có trong sả có thể gây độc cho thai nhi đang phát triển.
Theo vov