Dù nguyên nhân là gì nhưng tiểu đường là căn bệnh không thể trị khỏi. Các biện pháp điều trị đều nhằm kiểm soát triệu chứng và ngăn ngừa biến chứng tiểu đường, theo chuyên trang sức khỏe Healthline (Mỹ).

Điều gì xảy ra khi bạn bị loét bàn chân do tiểu đường? - ảnh 1

Loét bàn chân do tiểu đường nếu không được điều trị có thể gây hoại tử và cắt cụt chi

SHUTTERSTOCK

Triệu chứng và biến chứng của tiểu đường có thể khác nhau tùy loại. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cảnh báo các triệu chứng tiểu đường loại 1 có thể nghiêm trọng hơn tiểu đường loại 2. Ngoài ra, các biến chứng tiểu đường loại 1 có thể sớm xuất hiện sau thời gian ngắn.

Ngược lại, triệu chứng của tiểu đường loại 2 thường không rõ ràng vào giai đoạn đầu. Bệnh có thể âm thầm tiến triển trong nhiều năm. Với cả hai loại tiểu đường, các triệu chứng phổ biến là thường xuyên đi tiểu, khát, hay bị đói, mờ mắt, mệt mỏi, sụt cân, khô da hay vết thương lở loét, lâu lành. Bệnh nhân tiểu đường cũng nhận thấy họ mắc các bệnh viêm nhiễm thường xuyên hơn.

Loét bàn chân là một trong những biến chứng nguy hiểm của tiểu đường. Đại học Y tế Michigan (Mỹ) ước tính khoảng 15% người mắc bệnh tiểu đường sẽ bị loét bàn chân.

Loét bàn chân ở bệnh nhân tiểu đường có thể được nhận biết bằng các triệu chứng như đau, tiết dịch, sưng, đỏ, mô bàn chân chuyển sang màu đen. Các triệu chứng này xuất hiện thường là do máu lưu thông kém, tổn thương thần kinh và đường huyết tăng cao.

Khi nghi ngờ loét bàn chân do tiểu đường, người bệnh phải đến bệnh viện điều trị càng sớm càng tốt. Vết loét có thể mất vài tuần, thậm chí vài tháng để lành lại. Bên cạnh dùng thuốc, bác sĩ cũng phải loại bỏ các da và mô chết xung quanh vết loét.

Điều gì xảy ra khi bạn bị loét bàn chân do tiểu đường? - ảnh 2

Kiểm tra đường huyết

SHUTTERSTOCK

Trong quá trình điều trị, người bệnh sẽ được yêu cầu mang những chiếc giày được thiết kế đặc biệt cho người bị loét bàn chân, dùng nạng hay ngồi xe lăn. Tất cả là để tránh gây áp lực lên vết loét.

Nếu không điều trị, loét bàn chân sẽ gây hoại tử và phải cắt cụt chi. Thống kê của Đại học Y tế Michigan (Mỹ) ước tính từ 14 đến 24 % bệnh nhân bị loét bàn chân do tiểu đường sẽ phải cắt cụt chi.

Để ngăn nguy cơ loét thì các biện pháp phòng ngừa rất quan trọng. Những người mắc tiểu đường cần liên hệ hệ bác sĩ ngay lập tức nếu bàn chân họ xuất hiện vết loét. Nhóm có nguy cơ cao như có vấn đề về thần kinh, máu lưu thông kém hay không kiểm soát được đường huyết thì cần khám bác sĩ thường xuyên để ngăn nguy cơ loét bàn chân, theo Healthline.

Theo Thanh niên