Điều gì xảy ra khi bạn uống hơn 3 tách cà phê mỗi ngày?
Cập nhật lúc 22:56, Thứ hai, 04/11/2024 (GMT+7)
Một nghiên cứu với hơn 21.000 người trên 40 tuổi phát hiện ra mối liên hệ giữa cà phê và mỡ máu. Tuy nhiên, mức độ ảnh hưởng còn phụ thuộc vào giới tính.
|
|
Tác động của cà phê tới sức khỏe phụ thuộc vào cách thức pha, các thành phần bổ sung và cả giới tính người uống. Ảnh minh họa: Ban Mai |
Các dữ liệu trước đây đã đưa ra cảnh báo một số hóa chất tự nhiên trong cà phê có thể liên quan đến tăng cholesterol trong máu. Theo đó, không chỉ cách pha cà phê (pha phin, pha máy, có thêm sữa, đường hay không) mà cả lượng tiêu thụ và giới tính của người uống cũng có thể ảnh hưởng đáng kể đến mức cholesterol.
Mới đây, một nhóm các nhà nghiên cứu Na Uy đã công bố kết quả nghiên cứu quy mô lớn về mối quan hệ giữa cà phê và mức cholesterol. Phân tích đăng tải tạp chí Open Heart xem xét dữ liệu của hơn 21.000 cá nhân từ 40 tuổi trở lên sinh sống tại Tromso, Na Uy.
Các phát hiện ghi nhận mối liên hệ giữa cà phê và cholesterol thay đổi tùy theo phương pháp pha chế và có sự khác biệt đáng kể giữa nam và nữ. Những người uống 3-5 tách espresso (cà phê đen nóng pha máy) mỗi ngày có mức cholesterol cao hơn đáng kể. Đàn ông uống cùng lượng espresso này có nồng độ cholesterol cao hơn phụ nữ.
Uống 6 cốc cà phê pha phin trở lên có liên quan đến mức cholesterol cao hơn ở phụ nữ, không thấy tác động ở nam giới. Không có mối liên hệ đáng kể nào giữa cà phê hòa tan và mức cholesterol.
Trong khi đó, cà phê đun sôi có liên quan trên mức tăng cholesterol ở cả hai giới.
"Cà phê là đồ uống phổ biến trên toàn cầu. Do lượng tiêu thụ cà phê cao, ngay cả những tác động nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả đáng kể cho sức khỏe", các tác giả đánh giá.
Đánh giá về những phát hiện này, Tiến sĩ Dipender Gill (Đại học London, Anh) nhấn mạnh sự cần thiết phải phân tích cẩn thận: "Những khác biệt đó có thể do các yếu tố gây nhiễu dẫn đến mối liên hệ không chính xác. Cụ thể, nam giới và những cá nhân thích một loại cà phê nhất định khả năng có các yếu tố lối sống khác ảnh hưởng đến mức cholesterol của họ".
Cholesterol là thành phần của lipid máu đóng vai trò quan trọng trong hầu hết hoạt động của cơ thể. Tuy nhiên, mức cholesterol máu tăng cao sẽ cản trở máu di chuyển đến các cơ quan dẫn tới tình trạng xơ vữa động mạch, nguy cơ gây ra nhồi máu cơ tim và đột quỵ.
Nguyên nhân chủ yếu do chế độ ăn nhiều chất béo, thiếu vận động, hút thuốc, uống rượu và cả di truyền.
Theo Dịch vụ Y tế Quốc gia Anh (NHS), bạn có thể giảm cholesterol bằng cách áp dụng chế độ ăn lành mạnh hơn và tăng cường hoạt động thể chất. Một số cá nhân cũng có thể cần dùng thuốc như statin.
NHS cảnh báo thêm: "Quá nhiều cholesterol có thể làm tắc nghẽn mạch máu khiến bạn nhiều khả năng mắc các vấn đề về tim hoặc đột quỵ hơn. Cholesterol cao thường không gây ra triệu chứng ngay. Bạn chỉ có thể biết mình có bị cholesterol cao hay không thông qua xét nghiệm máu".
Theo vietnamnet