leftcenterrightdel
 TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch.

Phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống đã có cuộc trao đổi với TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai, giảng viên Bộ môn Dinh dưỡng – An toàn thực phẩm, Trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch xung quanh vấn đề này.

Phóng viên (PV): Hiện nay, trên phạm vi toàn thế giới, số người mắc mới và tử vong do bệnh ung thư ngày càng tăng, TS có thể cho biết cụ thể về vấn đề này như thế nào?

TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai: Ung thư luôn là vấn đề sức khỏe quan tâm tại nhiều quốc gia. Theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, mỗi năm trên toàn cầu có khoảng gần 20 triệu trường hợp mắc mới ung thư và trên 10 triệu ca tử vong do căn bệnh này, trong đó 2/3 là ở các nước đang phát triển.

Hiện nay tại Việt Nam có hơn 300 nghìn người đang sống chung với bệnh ung thư. Xu hướng mắc bệnh không ngừng gia tăng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở hầu hết các nước trên thế giới. Mặc dù có nhiều tiến bộ trong sàng lọc chẩn đoán phát hiện sớm và điều trị, nhưng nhiều bệnh nhân ung thư vẫn đến ở giai đoạn muộn, khiến cho việc điều trị gặp nhiều khó khăn.

Các ung thư phổ biến ở Việt Nam ghi nhận theo giới tính: Ở nam giới gồm ung thư gan, phổi, dạ dày, đại trực tràng, tiền liệt tuyến là những ung thư phổ biến nhất (chiếm khoảng 65,8% tổng các loại ung thư). Ở nữ giới, phổ biến gồm ung thư vú, phổi, đại trực tràng, dạ dày, gan (chiếm khoảng 59,4% tổng các loại ung thư). Chung cho cả 2 giới các loại ung thư phổ biến là ung thư gan, phổi, vú, dạ dày và đại trực tràng.

413bf03b4de474d039ca3014b7478943-3-1496033874431-0-114-1499-2528-crop-1496033895246

Nhận biết sớm các dấu hiệu của bệnh ung thư giúp người bệnh được điều trị kịp thời.

Theo Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế - IACR (International Agence On Cancer Research), năm 2020, Việt Nam xếp thứ 91/185 về tỷ suất mắc mới các bệnh ung thư và thứ 50/185 về tỷ suất tử vong trên 100.000 người do mắc các bệnh ung thư.

Thứ hạng này tương ứng của năm 2018 là 99/185 và 56/185. Như vậy, có thể thấy là tình hình mắc mới và tử vong do ung thư ở Việt Nam đều đang tăng nhanh. Tình hình này cũng tương tự với nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có các quốc gia phát triển như Anh, Pháp, Ý, Nhật Bản, Hàn Quốc, Thái Lan, Hoa Kỳ. Tuy nhiên, tỷ lệ tử vong do ung thư tại các quốc gia này lại giảm.

PV: Thực tế cho thấy, người bệnh ung thư thường có biểu hiện chán ăn, sợ ăn… Vậy tại sao khi mắc bệnh ung thư lại dẫn tình trạng này, thưa TS?

TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai: Ung thư là do sự tăng trưởng quá đà, không kiểm soát của các tế bào không bình thường của cơ thể. Hậu quả là tế bào không còn chức năng cho sự sống mà còn xâm lấn các mô bình thường khác, đến mức phá hủy mô, cơ quan của cơ thể và cuối cùng là dẫn đến tử vong.

Biếng ăn, chán ăn, thay đổi khẩu vị, ăn không cảm thấy ngon, cảm giác đầy bụng, khó tiêu… là những triệu chứng thường gặp ở người mắc ung thư. Điều này là do phần lớn các mô, cơ quan bị xâm lấn, khối u làm thay đổi cấu trúc của cơ quan, làm mất đi các chức năng vốn có của nó, hay có thể do ảnh hưởng việc trị liệu như hóa trị, xạ trị và cũng do ảnh hưởng tâm lý của người bệnh. Hình ảnh chung của người mắc bệnh ung thư là mệt mỏi, suy nhược cơ thể, gầy mòn, thiếu máu…

PV: Như vậy, bản thân bệnh ung thư và các phương pháp điều trị khiến người bệnh thay đổi thói quen ăn uống, thay đổi tính thích nghi của cơ thể đối với thức ăn và dinh dưỡng. Vậy, vai trò thực sự của dinh dưỡng với người bệnh ung thư là gì, thưa TS?

TS.BS. Nguyễn Thị Huỳnh Mai: Chế độ dinh dưỡng cho bệnh nhân ung thư sẽ tùy thuộc vào loại ung thư bị mắc, giai đoạn tiến triển của bệnh, mức độ ác của u, tình trạng dinh dưỡng của người bệnh, biện pháp trị liệu... Không có một công thức khẩu phần chung cho tất cả các trường hợp bệnh ung thư, do vậy các chế độ ăn cho người bệnh ung thư sẽ được thiết kế chuyên biệt nhằm phù hợp với tình trạng dinh dưỡng bệnh nhân, sự tiến triển của bệnh cũng như sự đáp ứng điều trị của người bệnh.

Các thay đổi về dinh dưỡng và ăn uống trong giai đoạn điều trị tích cực với mục tiêu ngăn chặn hoặc phục hồi sự thiếu hụt dinh dưỡng, bảo tồn khối lượng nạc cơ thể, làm giảm thiểu các tác dụng phụ do quá trình điều trị liên quan tới dinh dưỡng và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người bệnh.

Bên cạnh đó, chế độ dinh dưỡng tốt còn giúp hỗ trợ về tâm lý, làm giảm nhẹ tác dụng khó chịu do trị liệu, duy trì cân nặng và lượng chất dinh dưỡng dự trữ của cơ thể, giảm nguy cơ nhiễm trùng, tăng khả năng phục hồi giữa các lần điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống.

PV: Trân trọng cảm ơn TS.BS!

leftcenterrightdel
 Dinh dưỡng cho người bệnh ung thư cần được thiết kế phù hợp với từng trường hợp.
Theo suckhoedoisong.vn