Nguyên nhân mắc bệnh
Do cảm nhiễm ngoại tà, ăn uống thực phẩm lạ, khí hậu thay đổi thất thường, tiếp xúc với các chất lạ, lao động quá mức hoặc do sự biến động mối quan hệ tạng phủ, đặc biệt là hai tạng phế và thận làm cho phế khí không tuyên phát, không túc giáng được nên thận không nạp được khí gây hen suyễn. Ngoài hai tạng chủ yếu là phế và thận, tạng tỳ có liên quan mật thiết tới hen suyễn. Nếu tỳ hư không vận hóa được thủy thấp, thận dương hư không ôn ấm được tỳ dương để vận hóa thủy thấp và không khí hóa được tân dịch mà sinh ra đàm làm cho phế khí không túc giáng, không thông điều thủy đạo, đàm đọng nhiều gây hen suyễn. Mặt khác tâm khí hư cũng có thể làm cho phế khí suy mà sinh ra hen suyễn. Trên lâm sàng thường chia làm hai loại: Hen và suyễn. Hen có hen hàn và hen nhiệt. Suyễn có suyễn thực và suyễn hư.
Điều trị
Đối với hen
Hen hàn (lãnh háo): Do cảm nhiễm ngoại cảm phong hàn hoặc gặp phải các chất lạ do ăn uống, tiếp xúc hoặc do gió lạnh... gây ra khó thở khò khè, nằm ngồi không yên, ngực tức, đờm ít, trắng hoặc không có đờm, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm trì. Phương pháp điều trị thường là giải biểu tán hàn, thông lợi phế khí. Có thể dùng bài thuốc “Tô tử giáng khí thang” bao gồm 8 vị thuốc: tô tử 12g dã dập, bán hạ chế 20g bỏ vỏ, đương quy, hậu phác 16g cạo vỏ, tiền hồ 16g, nhục quế 08g, trần bì 08g, cam thảo 08g. Tám vị thuốc này sắc với 1600 ml nước lấy 250ml. Uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 4 lần, tối uống 1 lần. Ngoài ra, cũng dùng châm cứu, châm tả các huyệt: Phế du, định suyễn, phong long, túc tam lý, thiên đột.
Hen nhiệt (nhiệt háo): Do nhiệt uất tích ở trong lại cảm phải phong tà gây ra khó thở khò khè, bứt rứt khó chịu, tức ngực, đờm vàng, rêu lưỡi vàng đục, chất lưỡi đỏ, mạch sác. Thường dùng thông lợi phế khí hóa đàm để điều trị. Dùng bài thuốc “Bạch quả định suyễn thang” bao gồm bạch quả nhân 08g, hoàng cầm 16g, hạnh nhân 12g, tang bạch bì 20g, tô tử 12g, cam thảo 08g, ma hoàng 12g, bán hạ 16g, khoản đông hoa 08g. Cách bào chế: ma hoàng bỏ mắt, hạnh nhân bỏ vỏ, tô tử dã dập, bán hạ chế. Chín vị trên cho vào nồi sắc với 1700ml nước, bỏ bã lấy 250ml, uống ấm chia đều 5 lần, ngày uống 3 lần, tối uống 2 lần. Nếu dùng châm cứu thì thâm tả các huyệt: Định suyễn, khúc trì, túc tam lý, phong long, thiên đột.
Đối với suyễn
Suyễn thực: Do phòng hàn uất ở trong phế, khí nghịch lên gây suyễn, thở gấp có tiếng rít, há miệng, không nằm được, tức ngực, phải ngồi phục mới thở được. Người mệt mỏi, đờm trắng, suyễn thực bệnh chủ yếu ở phế. Phương pháp điều trị bao gồm lợi phế, giáng khí, định suyễn và dùng bài thuốc “Tam ao thang” bằng cách bào chế ma hoàng 24g bỏ mắt, hạnh nhân 24g bỏ vỏ, cam thảo 24g sắc với 900ml nước, lọc bỏ bã lấy 120ml uống ấm chia đều 2 lần, lần 1 nếu uống sau 30 phút suyễn thở hết hoặc giảm 7-8 phần, thuốc còn lại chia đều 2 lần uống trong ngày. Nếu lần 1 uống sau 2 giờ suyễn chưa cắt thì uống hết phần còn lại. Thực hiện châm cứu, châm tả các huyệt định suyễn, thiên đột, phong long, túc tam lý.
Suyễn hư: Cơn suyễn ngắn yếu, người rất mệt, hụt hơi, nói phều phào, tinh thần yếu đuối, vận động mạnh cơn suyễn tăng. Bệnh nặng thì hai mu chân sưng, người ớn lạnh, mạch vi tế. Suyễn hư bệnh chủ yếu ở thận và phế. Nếu thiên về phế hư thì cần bổ khí sinh tân với bài thuốc “Sinh mạch tán”. Châm cứu thực thiện châm bổ, ôn châm các huyệt chiên trung, túc tam lý, tam âm giao, phế du. Nếu thiên về thận hư thì cần bổ hỏa trợ dương dùng bài thuốc Kim quỹ thận khí gia giảm; Châm cứu bao gồm châm bổ các huyệt phế du, thận du, ôn châm huyệt mệnh môn, phục lưu.
Chú ý: Trong điều trị hen suyễn, đang trong cơn phải cắt được cơn, định được suyễn sau đó tìm nguyên nhân cụ thể để chữa.
Phòng bệnh thế nào?
Loại bỏ đờm rãi, nằm hổ phục hoặc nghển cổ để dễ thở. Tránh gió lạnh và khi thời tiết thay đổi. Buổi sáng khi mới ngủ dậy không ra ngoài trời sớm, không uống nước lạnh, giữ ấm cổ. Kiêng không ăn các thức ăn lạ, thịt chó, thịt trâu nhưng vẫn cần ăn đủ chất dinh dưỡng cho cơ thể. Vận động nhẹ nhàng, nghỉ ngơi và luyện tập đều đặn.
Theo suckhoedoisong