Đột phá trong sử dụng tế bào gốc phôi người để điều trị COVID-19
Cập nhật lúc 23:47, Thứ năm, 01/08/2024 (GMT+7)
Nghiên cứu do Đại học Kyoto đứng đầu công bố phát triển thành công các tế bào miễn dịch có khả năng nhắm mục tiêu và tấn công các tế bào bị nhiễm SARS-CoV-2, bằng cách sử dụng tế bào gốc phôi người.
|
|
Hình ảnh từ kính hiển vi do Viện nghiên cứu bệnh truyền nhiễm và dị ứng quốc gia Mỹ cung cấp cho thấy virus SARS-CoV-2 trong mẫu bệnh phẩm của bệnh nhân mắc COVID-19. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Theo phóng viên TTXVN tại Nhật Bản, một nhóm nghiên cứu do Đại học Kyoto (Nhật Bản) đứng đầu đã công bố phát triển thành công các tế bào miễn dịch có khả năng nhắm mục tiêu và tấn công các tế bào bị nhiễm virus SARS-CoV-2, bằng cách sử dụng tế bào gốc phôi người (hESC).
Nhóm nghiên cứu do Giáo sư miễn dịch học Hiroshi Kawamoto của Viện Khoa học Y tế và Sự sống thuộc Đại học Kyoto đứng đầu cho biết nghiên cứu này có thể có lợi cho việc điều trị những bệnh nhân mắc COVID-19 có nguy cơ suy giảm miễn dịch nghiêm trọng do điều trị ung thư và các yếu tố khác.
Các thử nghiệm lâm sàng dự kiến sẽ bắt đầu vào khoảng tài khóa 2027 với mục tiêu đưa vào sử dụng thực tế từ tài khóa 2029.
Các tế bào miễn dịch tên là “tế bào T sát thủ,” có khả năng tiêu diệt các tế bào bị nhiễm virus và tế bào ung thư.
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu thực hiện chỉnh sửa bộ gene trên hESC để giảm thiểu tình trạng đào thải của người nhận khi được tiêm.
Sau đó, họ kết hợp các gene của “tế bào T sát thủ” để cho phép các tế bào miễn dịch xác định và tấn công “protein gai,” hay các phần nhô ra có gai trên bề mặt của virus SARS-CoV-2.
Khi trộn với các tế bào có “protein gai” để mô phỏng những tế bào bị nhiễm virus SARS-CoV-2, các “tế bào T sát thủ” này đã tiêu diệt các tế bào được mô phỏng trong vòng vài giờ. Trong khi đó, các tế bào khỏe mạnh không bị tấn công.
Trong tương lai, các nhà khoa học sẽ nghiên cứu xem liệu có thể thấy hiệu ứng tương tự ở các tế bào thực sự bị nhiễm virus SARS-CoV-2 hay không.
Công nghệ này không chỉ được sử dụng để chống lại virus SARS-CoV-2 mà còn có tiềm năng chống lại các loại virus chết người khác, vì cho phép phát triển các “tế bào T sát thủ” nhắm vào các loại virus khác nhau.
Giáo sư Kawamoto hy vọng "đây sẽ là một bước đột phá có thể cứu nhân loại khỏi cái chết do nhiễm virus."
Hiện nay, liệu pháp tế bào T CAR sử dụng công nghệ để biến đổi gene của tế bào T được chiết xuất từ máu của bệnh nhân để có thể tiêu diệt ung thư hiệu quả hơn, trước khi đưa tế bào này trở lại cơ thể bệnh nhân.
Phương pháp này áp dụng cho một số bệnh nhân ung thư, nhưng cần thời gian để biến đổi tế bào T và chỉ có thể được sử dụng trên cùng một bệnh nhân.
Trong khi đó, nhóm nghiên cứu cho biết “tế bào T sát thủ” được tạo ra từ hESC có thể được sản xuất, lưu trữ trước và có thể ngay lập tức đưa vào cơ thể nhiều bệnh nhân./.
Theo vietnamplus