Theo thống kê của Bộ Y tế, mỗi năm tại Việt Nam ước tính có khoảng 200.000 người tử vong do bệnh lý tim mạch, cao hơn số tử vong do bệnh lý ung thư, và là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu. Đáng chú ý, tỷ lệ mới mắc các bệnh lý tim mạch tăng nhanh và ngày càng trẻ hóa.

BS.CKI Lê Thị Huyền Trang, Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu nội tim mạch, Bệnh viện Tim Tâm Đức (TP.HCM), cho biết đột quỵ và nhồi máu cơ tim đều là hậu quả của tổn thương trên mạch máu, cụ thể là động mạch, cần phải được chăm sóc y tế, phát hiện chẩn đoán sớm và kịp thời để tránh biến chứng dẫn đến tử vong hoặc để lại di chứng về sau. Đối với những trường hợp điển hình, triệu chứng của 2 bệnh lý khá khác biệt, tuy nhiên trong những tình huống nặng, diễn tiến đột ngột, nguy kịch thì triệu chứng và ảnh hưởng có thể giống nhau, gây nhầm lẫn trong chẩn đoán và xử trí ban đầu.

leftcenterrightdel
 Người bị nhồi máu cơ tim có thể đột ngột bất tỉnh, ngừng tim, ngừng thở

Dấu hiệu nhận biết

Nhồi máu cơ tim: Hầu hết các trường hợp nhồi máu cơ tim là hậu quả tổn thương tiến triển của động mạch vành. Trong bệnh lý động mạch vành, những động mạch cung cấp máu cho tim bị hẹp hoặc tắc nghẽn từ mảng bám do chất béo tích tụ gọi là mảng xơ vữa. Khi các mảng xơ vữa bị vỡ ra, cục máu đông được hình thành và ngăn dòng máu chảy đến nuôi cơ tim. Cơ tim không được nhận đủ máu dưới chỗ động mạch vành bị tắc nghẽn sẽ bị tổn thương dẫn đến hoại tử.

Tình trạng này biểu hiện bằng những triệu chứng:

  • Đau ngực hoặc cơn thắt ngực, thường lệch trái hoặc giữa ngực, sâu bên trong, cảm giác đè ép hay bóp chặt.
  • Đau vai và cánh tay đột ngột không giải thích được, có thể lan lên cổ, hàm dưới.
  • Khó thở.
  • Chóng mặt, nôn, khó chịu vùng thượng vị.
  • Nặng nhất, người bệnh có thể đột ngột bất tỉnh, ngừng tim, ngừng thở.

Dấu hiệu nhận biết đột quỵ: Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não, xảy ra khi một mạch máu trong não bị vỡ và chảy máu ra các mô xung quanh, hoặc khi có cục máu đông hoặc mảng xơ vữa mạch máu gây tắc nghẽn, ngăn cản máu lưu thông lên não. Vỡ mạch máu hay tắc nghẽn mạch máu đều có thể dẫn đến tình trạng thiếu máu đến nuôi phần não sau chỗ động mạch bị tắc hoặc vỡ, gây ra hiện tượng rối loạn chức năng thần kinh, như:

  • Đột ngột chóng mặt hoặc mất thăng bằng, đi lại hay phối hợp cơ thể khó khăn.
  • Cảm thấy yếu hoặc tê ở chân tay hoặc mặt ở một bên cơ thể.
  • Đau đầu dữ dội, có thể kèm nôn ói.
  • Mờ một hoặc cả hai mắt.
  • Nói khó, lời nói lắp bắp hoặc bị ngọng.
  • Khó khăn trong hiểu ý người khác.
leftcenterrightdel
 Đau đầu dữ dội có thể là dấu hiệu của đột quỵ

Chẩn đoán nhồi máu cơ tim và đột quỵ như thế nào?

Theo BS Lê Thị Huyền Trang, để chẩn đoán xác định và phân biệt nhồi máu cơ tim và đột quỵ thì phần hỏi triệu chứng khởi phát và yếu tố thúc đẩy đóng vai trò vô cùng quan trọng và gần như có thể quyết định đến hướng chẩn đoán cũng như đánh giá độ nặng của bệnh, từ đó đưa ra hướng xử trí sớm và thích hợp cho người bệnh. Ngoài ra cũng cần một số biện pháp chẩn đoán hình ảnh và xét nghiệm cần thiết cần làm ngay giúp chẩn đoán xác định cũng như mức độ nặng, tiên lượng của bệnh lý:

  • Nhồi máu cơ tim: Đo điện tâm đồ; siêu âm tim; xét nghiệm máu đo men tim…
  • Đột quỵ: CT scan hay MRI sọ não; đo điện tâm đồ giúp phát hiện rung nhĩ là yếu tố nguy cơ tạo huyết khối thuyên tắc động mạch não; xét nghiệm rối loạn đông máu giúp chẩn đoán tình trạng xuất huyết não do rối loạn đông máu.

Nhồi máu cơ tim và đột quỵ cùng được phân vào nhóm bệnh lý tim mạch nên các yếu tố nguy cơ cũng khá tương đồng với nhau:

  • Hút thuốc lá.
  • Chế độ ăn nhiều chất béo chuyển hóa, chất béo bão hòa, cholesterol, muối, đường.
  • Uống nhiều rượu bia.
  • Ít vận động.
  • Tiểu đường.
  • Tăng huyết áp.
  • Tăng cholesterol máu.
  • Thừa cân và béo phì.

Việc chủ động phòng ngừa bệnh là cần thiết với duy trì lối sống lành mạnh để hạn chế tối đa các yếu tố nguy cơ tim mạch: Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu, tập luyện thể dục đều đặn, giảm ăn thức ăn nhiều chất béo, giảm mặn cũng như khám sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng… để phòng ngừa biến cố tim mạch.

Đột quỵ là một biểu hiện của 2 bệnh lý khác nhau: Nhồi máu cơ tim và tai biến mạch máu não. Khi tình trạng bệnh chưa nặng thì các biểu hiện khác nhau và có thể phân biệt được do tim hay do não. Nhưng nếu tình trạng nặng là ngưng tim, hôn mê, ngưng thở thì khó biết là nguyên nhân gì.

Vì vậy, để phòng ngừa các bệnh đưa đến tình trạng đột quỵ, chúng ta cần có kế hoạch kiểm tra sức khỏe và kiểm tra tim mạch định kỳ để phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý tim mạch có thể đưa đến đột quỵ với các biến chứng nặng.

Theo Thanh niên