Trước áp lực công việc, người trẻ cần biết cách chăm sóc sức khỏe bản thân - Shutterstock

Việc đột tử ở người trẻ lại gây xôn xao dư luận những ngày gần đây. Đặc biệt, vừa qua một thanh niên làm nghề dựng phim đột tử vì làm việc quá sức. Theo lời kể của đạo diễn Đào Đức Thành, một cộng sự của anh năm nay 31 tuổi vừa qua đời. Anh này thường làm thêm đến 3-4 giờ sáng, có khi làm việc liên tục hàng chục giờ không ngủ. Sự khắc nghiệt của deadline (hạn cuối) từ khách hàng như một vòng quay mà những người trẻ luôn phải quay cuồng và nếm trải hằng ngày. 

Cuộc sống còn giá trị gì nếu bạn chết trên bàn làm việc!?

Theo nhà văn Khải Đơn, một người từng có kinh nghiệm làm Agency, cho biết bên cạnh niềm cảm hứng, sáng tạo, thì nghề này cũng gặp nhiều sự cố gây ức chế. Sau những thảo luận, gật đầu của đối tác, cũng thường có sự thay đổi vì nhiều lý do. Và khi đó, cả bộ máy chạy theo những quyết định kỳ quái của account (người làm cầu nối nhận thông tin từ khách hàng triển khai về công ty), khách hàng, của sếp bên khách hàng.

Cũng theo Khải Đơn, những người mới vào nghề thường làm tới 12 giờ đêm, xong 4 giờ sáng bật dậy họp (vì sếp đang ở nước ngoài muốn họp cùng cả nhóm). Hay cả nhóm đang đi du lịch thì… chui vào quán cà phê ngồi làm cho xong bài nộp khách hàng và dẹp luôn kỳ nghỉ. Người mới vào nghề Agency thường thấy nghề sáng tạo lắm, điều khiển xu hướng xã hội, làm đẹp cho cuộc sống... Nhưng có một thứ mà rất nhiều văn phòng lờ đi: đó là làm quá giờ và sức khỏe của nhân viên.

Khái niệm "quyền của người lao động" cũng xa lạ với nhiều Agency. Nhân viên làm Agency không bao giờ đặt câu hỏi nếu họ phải làm quá giờ (có khi làm quá giờ lên đến 4-5 tiếng/ngày và xảy ra khoảng 3 -4 lần/tuần trong thời gian có dự án). Các bạn làm Agency luôn coi việc bật điện thoại 24/24 là nghĩa vụ...

"Nếu bạn còn trẻ, đây là lúc để bạn xác định rõ mình đi làm là người lao động, chứ không phải osin hầu hạ chủ nhân 24/24. Ngoài giờ làm việc (phần được trả tiền), có thể bạn còn có dự án riêng, chăm sóc gia đình, học một môn thể thao nào đó, hẹn hò với người mình yêu... Ngoài công việc, bạn còn có cả cuộc đời. Nghề Agency hấp dẫn vì nó sáng tạo ra những sản phẩm mới mẻ và làm cuộc sống thêm giá trị... Vậy cuộc sống còn giá trị gì nếu bạn có thể chết trên bàn làm việc vì nó?", Khải Đơn cho biết.

Đâu là giới hạn có thể chịu đựng?

Nhà thơ trẻ Nguyễn Thiên Ngân, người làm trong một công ty Agency, cũng chia sẻ: "Mình không dám chắc mình đã đi qua mọi cung bậc cần có của đời đi làm. Nhưng mình tin đã nhận đủ những bài học để nghiệm ra một điều, mà ước gì mình nhận ra nó ngày còn trẻ. Một khi lắng nghe được bản thân, không ai có thể làm cho mình lung lạc nữa. Mình sẽ biết khi nào nên đi tiếp, hay thay đổi, hoặc dừng lại; sẽ phân biệt được đâu là con đường, đâu là đích đến. Mình sẽ biết đâu là giới hạn có thể chịu đựng, khi nào phải biết đầu hàng...".

Đừng đánh đổi sức khỏe với công việc - Shutterstock

Nguyễn Thiên Ngân kể, có một đêm cô làm việc quá khuya, rồi chỉ có thể đứng vì cái lưng thoái hóa đã không còn cho phép cô ngồi. Một chị đồng nghiệp, mà đến bây giờ cô mãi biết ơn, đã nhìn cô rất lâu rồi nhỏ nhẹ: “Em à, hãy hình dung sức khỏe của em là một cây ATM. Mỗi ngày em đều cầm thẻ ra đó rút một cọc để xài. Một phần em đem đổi tiền mặt, một phần em đem đổi ngợi khen và thành công, một phần em nạp vào cơn háo thắng. Hình như em đang vung tay quá trán?!”

"Còn sống thì mới làm được việc"

Kiến trúc sư Lê Quang, làm cho một công ty kiến trúc nước ngoài tại Việt Nam, kể lại: ‘’Có làm việc quá không con, phải còn sống thì mới làm được việc, bố tôi hỏi tôi mỗi khi gọi điện thoại cho tôi. Tôi hiểu rằng tôi đã để lại một nỗi ám ảnh về thói quen làm việc của mình cho bố mẹ trong suốt những năm thanh niên mà tôi sống cùng ông bà. Ở tuổi 70, bố tôi thức để đợi tôi về đến tận 6-7 giờ sáng của ngày hôm sau - hàng năm trời. Mẹ tôi khẽ nhỏm dậy mà không làm cháu bé thức giấc, hai bà cháu thường ôm ấp nhau đi ngủ. Có đôi khi cháu bé tỉnh dậy và điều đầu tiên cháu hỏi là 'chú về chưa bà'. Mẹ tôi vỗ về cháu rồi xuống bếp lúi húi hâm lại thức ăn cho tôi mà không cần gọi. Chỉ cần nghe tiếng cửa sắt kéo khẽ là bà biết rằng tôi đã về. Bà thường ngồi nhìn tôi ăn và nghe tôi kể chuyện công việc một cách say sưa. Cuộc sống của cả gia đình tôi đã đảo lộn như thế...".

Huỳnh Lê Khánh, Giám đốc điều hành tại Golden PR, cho biết ở một vị trí đủ bao quát, anh nhìn được những độc tố đang xâm lấn các đồng nghiệp của mình - đó là các bạn trẻ thường chạy theo công việc mà quên đi mọi thứ, nhất là sức khỏe. "Mình có nhiều bạn bè đang giữ vị trí cao của các Agency tại TP.HCM. Mình đã nghĩ đến việc cùng nhau cam kết về việc tạo một môi trường Agency khỏe mạnh, không vì tiền bạc, lợi nhuận mà bán mạng - theo đúng nghĩa đen của nó...", Huỳnh Lê Khánh chia sẻ.

Liên quan đến chuyện đột tử ở người trẻ, ngày 12.12, tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Trưởng khoa Nội - Hồi sức thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Hà Nội), cho biết: Trước đây, đột quỵ não thường xảy ra ở người cao tuổi, nhưng những năm gần đây, khoảng 25% ca đột quỵ xảy ra ở những người trẻ tuổi. Đột qụy ở trẻ đang tăng gần 50% trong vòng 12 năm qua... 


Theo thanhnien