leftcenterrightdel
 Số người béo phì và thừa cân đang và sẽ tăng lên nhanh chóng nếu các chính phủ không có giải pháp can thiệp kịp thời - Ảnh: Brendan McDermid/Reuters

Báo The Guardian của Anh mới đây đã dẫn kết quả nghiên cứu do Liên đoàn Béo phì thế giới (WOF) thực hiện cảnh báo, hơn một nửa dân số thế giới sẽ bị thừa cân, béo phì vào năm 2035 “nếu các chính phủ không có hành động quyết đoán để ngăn chặn đại dịch thừa cân đang gia tăng”.

Theo đó, hiện có khoảng 2,6 tỉ người trên toàn cầu (chiếm 38% dân số thế giới) đang bị thừa cân hoặc mắc chứng béo phì. Và con số này dự kiến sẽ tăng lên hơn 4 tỉ người (tương đương 51%) sau 12 năm nữa.

Những người có chỉ số khối cơ thể (BMI) là 25 thì bị coi là thừa cân, trong khi những người có chỉ số BMI từ 30 thì bị xem là béo phì. Đây chính là nguyên nhân làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư, bệnh tim và các bệnh hiểm nghèo khác.

Đáng chú ý, tình trạng béo phì ở trẻ em và thanh thiếu niên đang gia tăng nhanh hơn so với người lớn. Đến năm 2035, tỉ lệ này sẽ tăng ít nhất gấp đôi so với năm 2020, theo báo cáo của WOF.

Giáo sư Louise Baur - Chủ tịch WOF - cho biết, những phát hiện này là “một lời cảnh báo rõ ràng những hậu quả nghiêm trọng mà con người phải đối mặt trong tương lai nếu không có giải pháp hiệu quả và kịp thời ngay từ bây giờ”.

Báo cáo của WOF cũng nhấn mạnh, nhiều quốc gia nghèo nhất thế giới đang phải đối mặt với tình trạng béo phì gia tăng nhanh, nhưng lại không có sự chuẩn bị cần thiết để đối đầu với căn bệnh này.

Chi phí giải quyết hậu quả của bệnh béo phì cũng tăng vọt, từ 1,96 ngàn tỉ đô la vào năm 2019 lên đến 4,32 ngàn tỉ đô la vào năm 2035, tương đương với 3% GDP toàn cầu.

Theo phụ nữ TPHCM