Tỷ lệ béo phì tăng chóng mặt

Chiều 17/11, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (QLKCB) - Bộ Y tế tổ chức tập huấn triển khai Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì.

Đây là lần đầu tiên Bộ Y tế ban hành hướng dẫn riêng về chẩn đoán, điều trị bệnh béo phì, với sự tham gia chủ trì về chuyên môn của GS.TS Trần Hữu Dàng, Chủ tịch Hội Nội tiết - Đái tháo đường Việt Nam.

Theo Bộ Y tế, béo phì là tình trạng tích tụ mỡ thừa hoặc bất thường, có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe. Ở nhiều nước trên thế giới, tình trạng béo phì ngày càng gia tăng, đặc biệt trong 10 năm trở lại đây.

Tại Việt Nam, tỷ lệ béo phì gia tăng nhanh, từ 2,6% năm 2010 lên đến 3,6% năm 2014, tương đương với tốc độ tăng là 38%.

Một thống kê tại Việt Nam 2021 cho kết quả tỷ lệ thừa cân, béo phì ở Hà Nội và Hồ Chí Minh chiếm 18% tổng số người thừa cân, béo phì trên toàn quốc.

Đặc biệt ở lứa tuổi học đường từ 5-19 tuổi, tình trạng béo phì tăng rất nhanh. Năm 2010 tỷ lệ này là 8.5% đã tăng lên 19 % vào năm 2020, trong đó tỷ lệ thừa cân béo phì khu vực thành thị là 26,8%, nông thôn là 18,3% và miền núi là 6,9%.

Béo phì tăng gấp đôi ở học sinh sau 10 năm - 1

Theo các chuyên gia, việc giảm cân cần đặt mục tiêu vừa phải, từ 5-15% trọng lượng cơ thể trong 6 tháng để giảm cân bền vững.

GS.TS Trần Hữu Dàng cảnh báo, tình trạng béo phì tác động bất lợi lên tất cả các vấn đề sức khỏe, làm giảm thời gian sống, gây ra nhiều bệnh lý mạn tính như: đái tháo đường, bệnh lý tim mạch, tăng lipid máu, hội chứng ngưng thở lúc ngủ, thoái hóa khớp, gan nhiễm mỡ… làm giảm chất lượng cuộc sống. Những biện pháp dự phòng, điều trị thừa cân, béo phì và duy trì thực hiện việc kiểm soát cân nặng lâu dài có thể cải thiện tình trạng sức khỏe, giảm biến chứng cho người bệnh.

GS Dàng cũng thẳng thắn nhìn nhận trong thực tế điều trị, bệnh béo phì chưa được quan tâm đúng mức. Đa số người bị béo phì tự "vật lộn" với cuộc chiến giảm cân, không ít trường hợp tự tìm đến các loại thuốc trôi nổi trên mạng, khiến tiền mất, tật mang.

Vì thế, Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh béo phì ban hành theo Quyết định số 2892/QĐ-BYT ngày 22/10/2022 được áp dụng tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước rất có ý nghĩa.

Béo phì được các tổ chức y tế như Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Hiệp hội Y khoa Hoa Kỳ (American Medical Association) công nhận là một bệnh mạn tính đòi hỏi phải quản lý và điều trị lâu dài.

Năng lượng nạp vào dễ hơn tiêu hao

TS.BS Nghiêm Nguyệt Thu, Viện Dinh dưỡng Quốc gia khẳng định, trong giảm béo "dục tốc bất đạt". Rất nhiều người đặt mục tiêu giảm 4-5kg một tháng, nhưng có giảm được cũng khó bền vững, rất nhanh chóng bị béo lại.

Béo phì tăng gấp đôi ở học sinh sau 10 năm - 2

Vận động thể lực thường xuyên, ăn uống lành mạnh sẽ giúp trẻ tăng chiều cao, giảm nguy cơ béo phì.

Mục tiêu giảm cân được đặt ra không gây áp lực khiến người béo phì nhịn ăn, tập luyện đến ngất xỉu. Mục tiêu giảm cân được đặt ra từ 5-15% trong khoảng thời gian 6 tháng là thực tế và đã được chứng minh mang lại lợi ích sức khỏe. 

Việc can thiệp lối sống là nền tảng đảm bảo duy trì giảm cân bền vững, an toàn bao gồm các biện pháp can thiệp dinh dưỡng, tập luyện thể lực, thay đổi hành vi, hỗ trợ tâm lý.

Việc điều trị bằng thuốc chỉ được áp dụng sau khi can thiệp lối sống trong 3 tháng không giúp giảm được 5% cân nặng, người bệnh có BMI ≥ 25 kg/m2.

Còn phương pháp phẫu thuật giảm cân chỉ được chỉ định với những trường hợp có BMI ≥ 35 kg/m2 hay BMI≥ 30 kg/m2 kèm bệnh lý đồng mắc liên quan béo phì, đã áp dụng các biện pháp khác nhưng không hiệu quả.

"Thay đổi lối sống, chế độ ăn và hoạt động thể lực là nền tảng điều trị thừa cân, béo phì. Mục tiêu giảm cân chỉ 5-10% trong 6 tháng, cần quan tâm giảm chu vi vòng eo hơn là chỉ giảm cân. Béo phì cũng rất dễ tái lại, vì thế luôn phải thực hiện chế độ ăn lành mạnh, vận động để kiểm soát cân nặng", TS Thu nói.

Đặc biệt, TS Thu nhấn mạnh tập nhiều đến mấy cũng không thể lại với ăn uống quá nhiều.

Béo phì tăng gấp đôi ở học sinh sau 10 năm - 3

Chạy toát mồ hôi 80 phút, bạn chỉ tiêu hao 500-600kcal. Trong khi đó bạn chỉ mất vài phút để nạp vào số năng lượng hơn thế khi lỡ uống cốc trà sữa, ăn vài cái bánh quy, bắp ngô, hay cả một quả bưởi - loại thực phẩm vốn được coi là năng lượng rất thấp.

Ví dụ, với một người có cân nặng khoảng 60kg, 30 phút tập yoga Hatha chỉ đốt cháy 127 calo, tập tạ ở mức độ trung bình là 95 calo, chạy với tốc độ 10km/giờ, tiêu hao 310 calo. Trong khi đó, chỉ cần ăn một bát phở bò chín đã khoảng 300kacl, một đĩa phở xào năng lượng hơn 500kcal, một bắp ngô 90kcal, vui miệng ăn 4 cái bánh quy năng lượng đã khoảng 130kcal, hay đơn giản 3 múi bưởi đã 45kcal...

Vì thế, chế độ ăn lành mạnh, có kiểm soát là vô cùng quan trọng để giảm cân. Hãy ăn nhiều rau xanh luộc, các loại trái cây ít ngọt, chọn gạo lứt, khoai lang... thay vì ăn nhiều gạo trắng. Tập thể dục vài tiếng một ngày cũng không thể giảm nếu không kiểm soát ăn uống. Cần đảm bảo, năng lượng nạp vào ít hơn năng lượng tiêu hao. Bên cạnh đó, duy trì vận động từ 30-60 phút mỗi ngày.

Theo dantri.com.vn