Ngày 29.7, bác sĩ Nguyễn Tiến Đạo (Quản lý hệ thống Y khoa, Trung tâm Tiêm chủng VNVC) cho biết, vi rút viêm gan B lây từ người nhiễm vi rút sang người lành qua các đường: từ mẹ sang con trong quá trình sinh nở; tiếp xúc với máu của người bệnh tại vết thương hở như vết cắt, xước và cào; sử dụng chung bơm tiêm, kim tiêm với bệnh nhân. Bệnh còn có thể lây khi dùng chung các vật dụng bị nhiễm vi rút như bàn chải đánh răng, dao cạo râu; quan hệ tình dục không an toàn...

Viêm gan B không lây qua hắt hơi, ho, ôm, cho con bú, qua thức ăn hoặc nước uống, dùng chung đồ như sử dụng chung ly uống nước hay ăn uống chung. Vi rút gây bệnh tồn tại trong nước bọt song có nồng độ thấp, khó lây nhiễm với người khác. Tuy nhiên, mầm bệnh có thể lây nhiễm khi bệnh nhân gặp vấn đề về răng miệng như xước, loét, viêm lợi, chảy máu chân răng.
leftcenterrightdel
 Viêm gan B không lây qua qua đường thức ăn nhưng có thể lây qua vết xước đường răng miệng
"Vì vậy, người sống chung nhà với bệnh nhân viêm gan B không cần ăn, uống riêng để phòng lây nhiễm. Tuy nhiên, gia đình nên hạn chế sử dụng chung muỗng đũa gắp thức ăn hay chấm chung nước chấm... Việc này cũng giúp phòng các tác nhân gây bệnh khác như vi khuẩn HP, virus viêm gan A và E...", bác sĩ Đạo khuyến cáo.

Theo bác sĩ Đạo, để phòng ngừa lây nhiễm viêm gan B từ những người thân trong gia đình, có thể tiêm ngừa vắc xin phòng viêm gan B. Mũi phòng viêm gan B hiệu quả đến 98%, loại vắc xin được chỉ định dựa trên độ tuổi. Sau tiêm, cơ thể có thể xuất hiện phản ứng nhẹ như: cảm giác đau, đỏ hoặc sưng nhẹ tại chỗ tiêm, gặp ở khoảng 15% người lớn, 5% trẻ em; sốt nhẹ gặp ở khoảng 1 đến 6%. Những phản ứng khác rất hiếm gặp như nổi ban, khó thở chiếm tỷ lệ khoảng 1/600.000 liều.

 50% ca nhiễm viêm gan B và C mạn tính ở độ tuổi 30 - 54

Như Thanh Niên đã đưa tin, theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có 5 chủng vi rút viêm gan chính: A, B, C, D và E. Trong đó, viêm gan B và C là phổ biến nhất; gây ra 1,3 triệu ca tử vong và 2,2 triệu ca nhiễm mới mỗi năm tại các nước (số liệu năm 2022, con số này giảm so với 2,5 triệu ca năm 2019). Trong số mắc, 83% là viêm gan B và 17% là viêm gan C. Khoảng 50% ca nhiễm viêm gan B và C mạn tính là ở những người trong độ tuổi 30 - 54; 12% ở trẻ em dưới 18 tuổi.

Thông tin trên được WHO chia sẻ nhân Ngày phòng chống viêm gan thế giới 28.7 năm nay.

Theo WHO, trên tất cả các khu vực, chỉ có 13% số người mắc bệnh viêm gan B mạn tính được chẩn đoán và khoảng 3% (7 triệu người) đã được điều trị bằng thuốc kháng vi rút vào cuối năm 2022. Đối với bệnh viêm gan C, 36% đã được chẩn đoán và 20% đã được điều trị khỏi bệnh. Kết quả này thấp hơn nhiều so với mục tiêu toàn cầu là điều trị cho 80% số người mắc viêm gan B và viêm gan C mạn tính vào năm 2030.

Theo Thanh niên