leftcenterrightdel
 PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho một phụ nữ mang thai nhiễm viêm gan B đang điều trị tại Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai. Ảnh: BVCC

Thai phụ mắc viêm gan B dễ gặp biến chứng sinh non

Đó là cảnh báo của PGS.TS. Đỗ Duy Cường, Giám đốc Trung tâm Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Bạch Mai vừa đưa ra khi mỗi năm, trung tâm này tiếp nhận quản lý và điều trị hàng trăm phụ nữ mang thai bị viêm gan B.

Theo đó, viêm gan B là một căn bệnh truyền nhiễm nguy hiểm gây ra bởi virus, ảnh hưởng lớn đến chức năng gan, hậu quả có thể gây suy gan cấp, viêm gan mạn, xơ gan, ung thư gan và có thể dẫn đến tử vong. Giống như virus HIV, bệnh lây qua đường máu, qua quan hệ tình dục và mẹ truyền sang con.

Ngày Viêm gan Thế giới 28/7 năm nay, WHO đưa ra chủ đề "Đến lúc chúng ta phải hành động - It's time for action", nhằm nâng cao nhận thức và hành động kịp thời về bệnh viêm gan virus để sàng lọc, phát hiện sớm, chẩn đoán và điều trị nhằm hướng tới loại trừ bệnh viêm gan virus vào năm 2030.

Vào năm 2016, WHO đã đưa ra 1 chiến dịch toàn cầu về kiểm soát sự lây truyền viêm gan virus B trong cộng đồng với mục tiêu: đến năm 2030 giảm 90% số ca mắc mới ở trẻ sơ sinh và giảm 65% tỉ lệ tử vong do virus viêm gan B gây ra. Việc sàng lọc, phát hiện và quản lý người phụ nữ bị viêm gan B thời kỳ trước, trong quá trình mang thai, khi sinh và sau khi sinh để đảm bảo trẻ sinh ra không bị nhiễm virus viêm gan B là việc làm rất quan trọng và cấp thiết hiện nay.

Thông tin từ Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết, hiện nay trên thế giới có khoảng gần 300 triệu người mắc viêm gan virus B, khoảng 1 triệu người tử vong vì viêm gan B mỗi năm. Việt Nam là một trong những quốc gia có tỷ lệ viêm gan B cao nhất trên thế giới, ước tính có khoảng 10 triệu người bị viêm gan B, trong đó đường lây chủ yếu vẫn là đường lây từ mẹ truyền sang con trong thời kỳ mang thai.

Theo PGS.TS. Đỗ Duy Cường, mặc dù Bộ Y tế đã ban hành Hướng dẫn Quốc gia về Chẩn đoán điều trị viêm gan virus B theo QĐ 3310 ban hành 29/7/2019, trong đó có quản lý điều trị viêm gan B ở phụ nữ có thai cũng như xây dựng "Kế hoạch hành động quốc gia tiến tới loại trừ HIV, viêm gan B và giang mai lây truyền từ mẹ sang con giai đoạn 2018-2030". Tuy nhiên, nhiều phụ nữ khi mang thai không biết mình bị viêm gan B, không được theo dõi điều trị trong quá trình mang thai cũng như trẻ sinh ra không được tiêm vắc-xin và huyết thanh phòng bệnh. 

"Viêm gan virus cấp và mạn tính trên bà mẹ mang thai có HBeAg dương tính nếu không được quản lý và điều trị kịp thời thì nguy cơ 90% có thể truyền virus viêm gan B sang con"- PGS.TS Đỗ Duy Cường nhấn mạnh.

PGS Cường phân tích thêm, khi phụ nữ nhiễm viêm gan B mang thai, tình trạng bệnh viêm gan B sẽ nặng hơn. Đó là vì phụ nữ mang thai tăng tiết hoocmon adenal corticoids của vỏ thượng thận làm tăng tải lượng virus.

Phụ nữ mang thai tăng hoocmon estrogen dẫn đến tăng nguy cơ hoạt động của virus viêm gan B và có xu hướng tăng dần lên trong các giai đoạn cuối của thai kỳ, gây nên đợt viêm gan cấp, ảnh hưởng đến việc sinh nở thiếu an toàn và mẹ có thể truyền bệnh sang con.

leftcenterrightdel
Đứa trẻ từ khi sinh ra đã bị nhiễm virus viêm gan B thì có thể mang virus suốt đời, để lại hậu quả về bệnh tật và gánh nặng tâm lý rất nặng nề. Ảnh minh hoạ. 

Dự phòng lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con như thế nào?

Để phòng chống lây nhiễm viêm gan B từ mẹ sang con, PGS.TS Đỗ Duy Cường khuyến cáo, phụ nữ đến tuổi kết hôn cần được xét nghiệm sàng lọc phát hiện viêm gan B, nếu không bị thì nên tiêm vắc-xin dự phòng. Phụ nữ khi đã mắc viêm gan B nếu có thai cần được quản lý bởi bác sĩ truyền nhiễm và khám thai định kỳ, cần uống thuốc kháng virus tránh lây truyền sang cho con từ tuần lễ thứ 24 và trẻ sinh ra cần được tiêm huyết thanh và vắc-xin sớm trong 24h đầu.

Các biện pháp dự phòng lây nhiễm viêm gan B đưa ra dựa trên cơ chế lây truyền từ 3 giai đoạn (khi mang thai, trong khi sinh và giai đoạn cho con bú). 

Đối với giai đoạn khi mang thai, bà mẹ cần phải uống kháng virus trong 3 tháng cuối của thai kì, bắt đầu từ tuần lễ thứ 24 trở đi, thuốc được lựa chọn là Tenofovir Disoproxil Furamate (TDF) 300mg, uống mỗi ngày 1 viên và thuốc này được uống duy trì tới 3 tháng sau sinh. Cần kiểm tra chức năng thận của bà mẹ, tuy nhiên, thuốc khá an toàn và không gây ảnh hưởng đến cả mẹ và con, kể cả khi cho con bú.

Khi sinh thì bà mẹ vẫn tiếp tục được uống thuốc, trong quá trình sinh có thể đẻ thường hoặc mổ. Chú ý phải tiêm kháng huyết thanh viêm gan B (HBIG) cho trẻ ngay trong 12- 24h đầu sau sinh, và kết hợp tiêm ngay vắc-xin viêm gan B mũi 1.

Theo WHO, hiện toàn thế giới mới chỉ có 45% trẻ sinh ra được tiêm phòng vắc xin viêm gan B trong vòng 24h sau sinh. Các chuyên gia y tế nhấn mạnh, tiêm kháng huyết thanh (HBIG) bắt buộc cho trẻ sơ sinh ở những trường hợp mẹ mang thai có viêm gan B. Tiêm càng sớm càng tốt (tốt nhất trong 12h đầu), nếu để muộn hơn thì tối đa là 5 ngày. Liều: 30 - 100 UI/kg cân nặng, tiêm bắp sâu hoặc dưới da.

Cần tiêm đủ 3 mũi vắc-xin phòng viêm gan B cho trẻ. Chương trình tiêm chủng vắc-xin viêm gan B toàn quốc đã giảm đáng kể tỷ lệ mắc viêm gan B trong cộng đồng. Các vắc-xin hiện nay an toàn và có hiệu quả phòng bệnh. Lịch tiêm như sau:

• Tiêm mũi 1 (mũi sơ sinh): Càng sớm càng tốt, tốt nhất là 24h đầu sau sinh, nếu muộn hơn thì tối đa là 7 ngày. Tiêm bắp, vị trí 1/3 giữa ngoài đùi, vị trí tiêm cách xa vị trí tiêm HIBG.

• Mũi 2, 3: khi trẻ được 2, 3 tháng.

• Mũi 4 (nhắc lại): tiêm khi trẻ đủ 12 tháng.

• Khi trẻ được 15-18 tháng: xét nghiệm HBsAg (xét nghiệm chẩn đoán sớm về khả năng mắc virus viêm gan B) và anti-HBs (xem đã có khả năng miễn dịch đối với bệnh viêm gan B hay chưa).

Anh Đào