The Guardian cho biết tỷ lệ béo phì ở người trưởng thành tại Mỹ tăng từ 14% năm 1980 lên 42% hiện tại. Dự kiến nửa thế giới bị thừa cân hoặc béo phì vào năm 2035. Trong đó, trẻ em và thanh thiếu niên phải đối mặt với tình trạng béo phì gia tăng mạnh nhất.

Một nghiên cứu được công bố vào năm ngoái, các nhà nghiên cứu tại Đại học Khoa học và Công nghệ Na Uy đã xác định những hợp chất hóa học tồn tại trong 34 vật dụng bằng nhựa phổ biến như cốc sữa chua, chai nước trái cây, khay thịt xốp, gói kẹo dẻo, bọc nhựa dùng cho sản phẩm cũng như các vật dụng thường thấy trong nhà bếp như miếng lót bằng polyurethane và bọt biển.

Trong số 55.000 chất hóa học các nhà nghiên cứu tìm thấy trong những vật dụng này, chỉ có 629 chất có thể xác định được. Trong đó, 11 chất gây rối loạn chuyển hóa như phthalates và bisphenol, cản trở khả năng điều chỉnh cân nặng của cơ thể cùng những tác động sức khỏe đáng lo ngại khác.

Martin Wagner, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết: “Chúng tôi khá chắc chắn có nhiều hóa chất trong các sản phẩm nhựa làm gián đoạn quá trình trao đổi chất, nhưng chúng tôi không thể xác định được tất cả”.

Đáng chú ý, Wagner và các đồng nghiệp của ông phát hiện ra 1/3 trong số tất cả sản phẩm thông thường họ thử nghiệm chứa các hóa chất kích hoạt quá trình tạo mỡ. Mặc dù chúng ta tiếp xúc những món đồ này hàng ngày, hầu hết hóa chất bí ẩn này đều chưa được biết đến, chưa được nghiên cứu và kiểm soát.

leftcenterrightdel
Nhựa đựng thức ăn và đồ uống chứa nhiều hóa chất ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe. Ảnh: Shutterstock 

Cần loại bỏ nhựa nguy hại

Nhựa được tạo ra khi các hợp chất hóa học từ nhiên liệu hóa thạch tinh chế, trộn với nhiều hóa chất khác, thường là độc hại, để thúc đẩy các đặc tính mong muốn như tính linh hoạt và khả năng chống nước. Hóa chất không chỉ ở trong vật liệu mà có thể thấm từ bao bì vào thực phẩm.

Vào tháng 3, các nhà khoa học tại Đại học McGill đã chứng minh bisphenol BPS gây ung thư và béo phì, được tìm thấy trong nhãn dán sản phẩm, có thể “di chuyển qua các vật liệu đóng gói vào thực phẩm mà con người ăn”, Stéphane Bayen, phó giáo sư khoa học thực phẩm và hóa học nông nghiệp, cho biết.

Trong nhiều năm, các chuyên gia đã cảnh báo việc dùng hộp đựng thức ăn bằng nhựa, đặc biệt là thức ăn nóng hoặc nhiều dầu, có thể làm cho nhựa không ổn định và tăng nguy cơ rò rỉ hóa chất.

Thông tin tích cực từ nghiên cứu của Na Uy là trong khi một số sản phẩm nhựa mang hóa chất làm cho tế bào mỡ sinh sôi nảy nở, các sản phẩm tương tự khác thì không. Ví dụ, PET, loại nhựa trong suốt được sử dụng chủ yếu cho chai nước, không chứa các hóa chất gây rối loạn trao đổi chất.

Điều đó có nghĩa là một số nhà sản xuất nhựa, dù cố ý hay không, đang tạo ra các dạng nhựa ít gây hại hơn. Nếu các nhà sản xuất trong ngành minh bạch về toàn bộ hóa chất có trong sản phẩm, người tiêu dùng có thể chọn nhựa có các tiêu chuẩn an toàn chung của ngành.

Cách tiếp cận của FDA đối với việc điều chỉnh các hóa chất trong bao bì thực phẩm đã được các chuyên gia mô tả là “lỗi thời một cách đáng tiếc”. Thậm chí, có khả năng ngay cả các nhà sản xuất nhựa cũng không chắc hóa chất nào sẽ có trong sản phẩm họ tạo ra.

Rõ ràng, những loại nhựa này và các hóa chất liên quan đến chúng đang xâm nhập vào cơ thể chúng ta bằng cách chuyển từ bao bì, nhưng cũng ở dạng vi nhựa. Theo The Guardian, con người ước tính ăn gần 20 kg nhựa trong suốt cuộc đời.

Theo zingnews