Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố vào tháng 4/2024, TPHCM đứng thứ hai cả nước (sau Hà Nội) về mức giá đắt đỏ. Điều đó cho thấy, áp lực cơm áo gạo tiền song hành với mức sinh thấp nhất nước ở TPHCM (khoảng 1,32 con/phụ nữ, năm 2023) là có cơ sở.

Tuy nhiên, trên thực tế, ngoài những khó khăn khách quan khiến nhiều phụ nữ ngán sinh, không ít cha mẹ “tự làm khó mình” khi theo đuổi kiểu chăm sóc, nuôi dạy, đầu tư cho con quá cầu kỳ, khiến hành trình nuôi con trở nên ám ảnh.

Trong khi đó, vẫn có nhiều gia đình “đơn giản hóa” chuyện nuôi dạy con và có những trải nghiệm nhẹ nhàng, hạnh phúc.

Nuôi kiểu bình dân, con vẫn vui khỏe

“Lắm lúc 2 chị em chơi trò đóng vai mẹ con rồi giận nhau, méc và khóc đòi phân xử, ba mẹ mệt nhưng vui, đang buồn gì cũng quên luôn” - chị Nguyễn Thị Tiền (công nhân Công ty TNHH Freetrend A, khu chế xuất Linh Trung 2, TP Thủ Đức, TPHCM) tươi cười, nói.

Chị Tiền sinh bé đầu năm 27 tuổi và bé sau năm 29 tuổi. Do anh Nguyễn Thanh Hiếu hơn vợ đến 10 tuổi nên vợ chồng chị ưu tiên cho kế hoạch sinh con. Còn kế hoạch tậu nhà được xếp sau, bởi “nhiều thứ quá, dồn một lúc thì lo không xuể, sinh con khi còn trẻ, khỏe cho an tâm”. Anh Hiếu là lao động tự do với nghề đóng trần thạch cao, la phông. Cuộc sống thuê trọ của 4 người tạm ổn theo nghệ thuật “liệu cơm gắp mắm” của đôi vợ chồng.

Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hiếu - chị Nguyễn Thị Tiền cùng 2 con - Phương Trinh, Phương Anh xây tổ ấm trong gian nhà trọ ở Thuận An, Bình Dương
Vợ chồng anh Nguyễn Thanh Hiếu - chị Nguyễn Thị Tiền cùng 2 con - Phương Trinh, Phương Anh xây tổ ấm trong gian nhà trọ ở Thuận An, Bình Dương

Nỗi lo lắng cho hành trình bầu bí, sinh nở của chị sớm được chồng và đại gia đình san sẻ. Những khi cần, bên nội, bên ngoại từ Bến Tre, Vĩnh Long sẵn sàng “tiếp viện”. Với số tiền vợ chồng tự dành dụm, cộng thêm phần gia đình hỗ trợ và chế độ thai sản theo quy định, chị an tâm vượt cạn.

Chị nuôi con bằng sữa mẹ vừa tiết kiệm, các bé lại có sức đề kháng, việc chăm sóc cũng nhàn hơn. Hễ chị cho con ăn thì anh lãnh phần giặt giũ, phơi đồ; chị nấu cơm thì anh tắm con, chơi với con…

Khi chưa đủ tháng đăng ký vô trường mầm non công lập, anh chị xoay xở bằng cách tìm được nơi gửi trẻ tư nhân ưng ý. Bà Tư cưng yêu bé, chăm sóc tận tình. Chị Tiền cũng thường động viên các đồng nghiệp “ráng kiếm cho đủ 2 đứa” khi họ còn chần chừ, sợ cực, ngại đẻ đau…

Chị Tiền nói: “Tôi cũng từng lo lắng về tài chính cũng như sợ mình không đủ sức nuôi, dạy con tốt. Nhưng tôi tự tin vì mình không đơn độc, có gia đình bên cạnh; những gì chưa biết thì tìm hiểu qua sách báo, mạng, qua đồng nghiệp hay tham gia những lớp chuyên đề kỹ năng sống. Thật ra tôi thấy nuôi con nít không cần vật chất quá nhiều, chỉ cần ăn no mặc ấm, có môi trường bình yên, an toàn, được đi học, được ba mẹ yêu thương là các con sẽ khỏe mạnh, hạnh phúc”.

Trong khó khăn, tìm thấy hạnh phúc

Vợ mất vì bạo bệnh, luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn Luật sư TPHCM) trở thành “gà trống nuôi con”. Ban đầu, cuộc sống của 3 cha con rất khó khăn. Việc sắp xếp công việc, thời gian đón đưa và chăm sóc 2 con đòi hỏi nhiều nỗ lực và hy sinh.

Nhiều lúc anh phải nhờ sự trợ giúp của mẹ từ Huế vào, của bạn bè thân. Có khi nhận tin báo con bệnh, anh phải xin phép hoãn phiên tòa, về ngay với con. Tuy nhiên, chính trong những khó khăn đó, anh đã tìm thấy sự an vui và hạnh phúc khi được bên 2 con.

Lúc mệt mỏi, căng thẳng, anh nhận được cái ôm, lời yêu thương, động viên quý giá. Các con không chỉ thấu hiểu mà còn phụ giúp và chia sẻ với cha. Anh thương người vợ đã không ngần ngại việc bầu bí, sinh nở ảnh hưởng sắc vóc, sự nghiệp… để giờ đây anh luôn bắt gặp hình bóng chị qua nụ cười của các con.

Mỗi sáng, 3 cha con vẫn chào mẹ đi học, đi làm; có nỗi niềm gì cũng chia sẻ với nhau và với mẹ, như mẹ vẫn hiện diện bên đời mình.

Luật sư Ngọc Thanh nói, anh thấu hiểu cho nỗi lo lắng và áp lực khiến các cặp vợ chồng trẻ ở TPHCM ngại sinh con. Lo lắng trong quá trình nuôi dạy con là có thật, nhưng đừng thổi bùng nỗi lo ấy đến mức không dám sinh con. Phụ huynh cần cân bằng và quản lý cảm xúc; nhận diện được đâu là cái cần lo và lựa chọn cách nuôi dạy con phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh.

Mọi thử thách đều có giải pháp và xã hội có nhiều dịch vụ hỗ trợ. “Không thể vì nỗi lo xa vời của ai đó, ở đâu đó mà mình không dám chạm đến hạnh phúc được làm cha mẹ. Con cái chính là cầu nối tuyệt vời thắt chặt tình cảm vợ chồng” - anh chia sẻ.

Cũng theo luật sư Ngọc Thanh, nhiều cha mẹ hiện nay mong muốn con cái phải học ở trường quốc tế, được hưởng những điều kiện vật chất tốt nhất. Tuy nhiên, điều này không phải lúc nào cũng cần thiết. Quan trọng hơn là trẻ có môi trường học tập và phát triển toàn diện, nơi các con có thể học được các kỹ năng sống và tự lập.

Việc nuôi dạy con cái không cần phải quá áp lực và tốn kém. Hãy tập trung vào những điều cốt lõi và tạo điều kiện để trẻ phát triển một cách tự nhiên.

Ngoài ra, cha mẹ có thể giảm bớt áp lực bằng cách chia sẻ trách nhiệm chăm sóc con cái với người thân hoặc tìm kiếm sự hỗ trợ từ cộng đồng. Thay vì cố gắng đáp ứng những tiêu chuẩn cao vượt quá sức mình, cha mẹ nên nuôi con dựa trên khả năng tài chính và điều kiện cụ thể của từng người. “Việc có nhiều con không phải là vấn đề quá nan giải, nếu cha mẹ biết cách quản lý và sắp xếp hợp lý” - luật sư Ngọc Thanh nhận định.

Theo phụ nữ TPHCM