Chứng trạng chủ yếu là bỗng nhiên đầu óc mơ hồ hoặc hôn mê bất tỉnh, liệt nửa người, méo miệng xếch mắt, nói năng khó khăn hoặc không thể nói được. Trên thực tế, sau giai đoạn cấp tính, dù đã được tiến hành các biện pháp cấp cứu cần thiết, tai biến mạch máu não vẫn thường để lại một số di chứng, như chân tay tê bì hoặc liệt nửa người (bán thân bất toại), méo miệng xếch mắt (khẩu nhãn oa tà), nói khó hoặc nói không ra tiếng (ngôn ngữ bất lợi)...

Để khắc phục các di chứng, nói chung cần tiếp tục tiến hành điều trị, điều dưỡng tại gia đình trong thời gian dài. Lúc này, bên cạnh việc dùng thuốc, kết hợp với châm cứu, xoa bóp, tập luyện… việc sử dụng món ăn bài thuốc có vai trò rất quan trọng nhằm hỗ trợ cải thiện chứng trạng, tăng cường thể chất, xúc tiến hồi phục.

photo-1690381826159

Vị thuốc hoàng kỳ

Dưới đây là một số món ăn - bài thuốc khắc phục di chứng tai biến mạch máu não:

1. Cháo bổ khí huyết tốt cho người sau tai biến mạch máu não

- Thành phần: Hoàng kỳ 60-120g, nhân sâm 3-5g (hoặc đảng sâm 30g), quy vĩ 10g, địa long 5g, gạo tẻ 100g, đường trắng lượng thích hợp.

- Cách dùng: Gạo tẻ vo sạch, cho vào nồi, thêm nước, nấu thành cháo. Hoàng kỳ, nhân sâm thái thành lát, cho vào nồi gốm, thêm nước lạnh vào ngâm trong 30 phút, tiếp sau cho quy vĩ, địa long vào, đun to lửa cho sôi, sau đun nhỏ lửa khoảng 1 giờ; chắt lấy nước cốt, chia 2 phần, pha vào cháo, thêm chút đường, ăn buổi sáng sớm và buổi tối.

- Công dụng: Hỗ trợ điều trị di chứng tai biến mạch máu não với bán thân bất toại là triệu chứng chính.

2. Cháo hoạt huyết

- Thành phần: Hoàng kỳ 50g, đào nhân 10g, địa long 2g, gạo tẻ 50-100g, đường trắng lượng thích hợp.

- Cách dùng: Địa long tán nhỏ; hoàng kỳ, đào nhân sắc lấy nước (bỏ bã), thêm gạo vào nấu cháo, khi chín thêm bột địa long, đường trắng vào trộn đều, chia ra ăn trong ngày.

- Công dụng: Hỗ trợ điều trị di chứng tai biến mạch máu não với bán thân bất toại là triệu chứng chính

3. Cháo thảo quyết minh

- Thành phần: Thảo quyết minh (hạt muồng ngủ) 10-15g, bạch cúc hoa 10g, câu đằng 10g, gạo tẻ 50-100g, đường phèn vừa đủ.

- Cách dùng: Hạt muồng cho vào chảo sao thơm, cùng cúc hoa, câu đằng sắc lấy nước, bỏ bã, cho gạo vào nấu cháo; cháo chín cho đường phèn vào, đun lại thêm một chút là được.

- Công dụng: Hỗ trợ điều trị chữa di chứng tai biến mạch máu não với các triệu chứng chính là cao huyết áp, đại tiện táo kết, hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng).

photo-1690381827360
 

Thảo quyết minh (hạt muồng ngủ).

4. Móng giò lợn hầm sơn tra

- Thành phần: Móng giò lợn 3 cái, sơn tra 5 quả, gia vị vừa đủ.

- Cách dùng: Móng giò lợn làm sạch, thái thành miếng nhỏ, xào cùng gia vị, đổ ngập nước, cho sơn tra vào, hầm khoảng 2 giờ cho chín nhừ; chia ra ăn trong ngày.

- Công dụng: Móng giò có tác dụng bổ thận tinh, mạnh gân cốt; sơn tra không chỉ tiêu thực (trợ tiêu hóa) mà còn có tác dụng tán ứ huyết; 2 thứ kết hợp có tác dụng tốt với người huyết áp cao, bị tai biến mạch máu não với di chứng chân tay tê liệt. 

5. Trúc lịch khương chấp ẩm

- Thành phần: Trúc lịch, sinh khương (củ gừng).

- Cách dùng: "Trúc lịch" là nước lấy từ cây tre non. Muốn có trúc lịch, người ta thường chặt tre tươi về, cắt thành từng đoạn, nướng lên và vắt lấy nước. Có thể uốn cong cây tre non ngay cạnh bụi tre, phạt ngọn, buộc cọc ghìm vào miệng chai hoặc bình, lấy lửa đốt phần giữa, nước sẽ chảy ra; hoặc không đốt, để một đêm nước sẽ chảy vào đầy chai.

- Cách dùng: Mỗi lần uống 2 thìa cà phê trúc lịch, thêm chút nước gừng vào trộn đều; chiêu bằng nước sôi hoặc nước cơm.

- Công dụng: Hỗ trợ điều trị di chứng tai biến mạch máu não với các triệu chứng chính là khó nói, đờm nhiều, hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng).

Theo suckhoedoisong.vn