Chị Hạnh Dung kính mến,

Vợ chồng tôi cưới nhau đã được gần 30 năm. Cuộc sống nói chung là tạm ổn. Cháu đầu đã có gia đình và một con gái. Cháu thứ hai cũng tốt nghiệp đại học và đi làm ở một công ty nước ngoài, tự mua nhà riêng sau vài năm làm việc, dù đang trả góp nhưng mọi việc rất thuận lợi. Vì vậy, vợ chồng tôi ở tuổi 57 có thể nói là viên mãn.

Thế nhưng tai họa xảy ra vào đúng lúc không ngờ tới. Chồng tôi bị tai nạn trên đường đi làm về. Anh bị thương khá nặng vào đầu, hôn mê 2 ngày. May mắn anh tỉnh lại và sức khỏe từ từ bình phục. Thế nhưng, với tình trạng đau đầu thường xuyên, anh không đi làm tiếp được nữa nên xin nghỉ hưu sớm.

Tôi không biết là do tai nạn hay do tâm lý bức bối vì phải nghỉ ở nhà, anh trở thành một con người hoàn toàn khác. Lúc trước, anh là một nhà nghiên cứu khoa học điềm đạm, thông minh, trầm tĩnh. Còn bây giờ, anh dễ nổi nóng, khi nổi nóng anh mắng chửi bất kỳ ai ở gần anh (mà tôi là gần anh nhiều nhất). Anh có thể văng tục, chửi thề, xúc phạm tôi và cả gia đình tôi, đập phá đồ đạc khi mất bình tĩnh.

Điều quan trọng và mệt mỏi nhất là anh thường xuyên nghi ngờ tôi ngoại tình, kiểm soát, ghen tuông và làm nhiều hành động rất tồi tệ với đời sống riêng của tôi. Anh thuê người theo dõi, sẵn sàng xông vào bất cứ nơi nào tôi đang ngồi cùng bạn bè mà có đàn ông, lớn tiếng lăng nhục tất cả mọi người.

Lúc đầu tôi nghĩ rằng do chấn thương tâm lý, do sức khỏe của anh, nên cố gắng chiều chuộng, bỏ qua, thông cảm cho anh. Thế nhưng đã 4 năm qua, mọi việc chỉ ngày càng tệ hơn.

Đời sống của tôi thành địa ngục khi anh ngày càng không kiểm soát được bản thân. Các con cũng ngại tiếp xúc với anh, tránh né về nhà. Tôi lúc nào cũng sống trong nơm nớp lo sợ, nhưng lại bị anh kiểm soát, không thể bước chân ra khỏi nhà, cứ ở bên cạnh anh mà chịu trận.

Sau nhiều lần thăm khám và biết chắc là sức khỏe của anh đã ổn định, tôi thật sự có mong muốn được ly hôn. Tôi không cần lập gia đình mới hay bồ bịch gì, chỉ là muốn được sống thanh thản đến cuối đời, không phải thường xuyên bị bạo hành bởi một người chồng luôn lấy bệnh tật của mình làm cớ để cư xử tùy tiện với tôi.

Thế nhưng, dù bản thân tránh né gặp ba, các con tôi lại không tán thành chuyện ly hôn của tôi, cũng với lý do là ba bệnh tật, mẹ không thể bỏ rơi ba, người đời sẽ cười chê…

Nhưng căn bản là tôi nghĩ các con sợ phải chịu trách nhiệm về chồng tôi. Vì sống với anh ấy giờ quả thật hết sức kinh khủng. Mà anh ấy thì bao năm qua không biết tự chăm sóc bản thân mình, mọi việc một tay tôi lo.

Tôi muốn xin ý kiến Hạnh Dung: tôi có nên ly hôn trong trường hợp này hay không? Liệu mọi người có thể thông cảm với tôi hay sẽ lên án tôi? Tôi làm thế có ích kỷ vì bỏ rơi chồng vào lúc khó khăn cuối đời hay không?

Xin cảm ơn chị!

Thanh Lệ

leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa

Chị Thanh Lệ thân mến,

Quả là một tình huống khó khăn cho chị và có lẽ là cho cả những người thân của chị. Khuyên chị thế nào bây giờ cũng khó. Bảo chị nhất định phải ở lại chăm sóc anh, cho đúng với nghĩa tình vợ chồng no đói, bệnh tật, hoạn nạn... có nhau thì cũng là khổ cho chị. Bởi ai ở trong cảnh khổ mới biết khổ là như thế nào, và sức chịu đựng của con người có đôi lúc cũng giới hạn và cạn kiệt.

Nhưng khuyên chị rời xa anh lúc này... cũng tội cho anh. Bởi chắc chắn những vấn đề của anh là do tai nạn xảy ra, thay đổi tất cả mọi điều tốt đẹp, vui vẻ, hạnh phúc của anh. Sau hôn mê tỉnh dậy, chắc chắn là sức khỏe của anh không thể bình thường được như trước. Cộng với những vấn đề sức khỏe, là tâm lý mất tự tin, tổn thương vì mình không còn là cây đa cây đề, là chỗ dựa cho vợ con... Điều đó hoàn toàn có thể thông cảm được.

Cho nên, thật sự, lựa chọn nào bây giờ cũng chỉ có thể là quyết định của riêng chị. Và quyết định đó sẽ nhẹ nhàng hơn, dễ chấp nhận hơn khi nó luôn dựa vào điều kiện cần thiết nhất: làm sao cho anh được chăm sóc tốt, chu đáo, đàng hoàng, để anh sớm lấy lại thăng bằng và tự chủ với cuộc sống?

Dù chị ở cạnh anh hay không, chị và các con cũng hãy cùng nhau bàn bạc việc này một cách kỹ lưỡng nhất. Một mình chị không thể nào gánh vác hết chuyện lo cho anh, khi chính chị cũng đang ở lứa tuổi cần được nghỉ ngơi, được chăm sóc. Dù có ngại ngần bao nhiêu, các con chị cũng phải là người cùng chị ở bên cạnh anh.

Việc chăm sóc bữa cơm, quần áo, thuốc men... có thể thuê người với giá cả hợp lý nhất, để anh có được đời sống sinh hoạt bình thường. Nhưng việc chăm sóc cho tinh thần anh hồi phục, thì cần phải có tất cả mọi người xung quanh chung tay với chị. Đặc biệt, một không khí đầm ấm, quan tâm của cả nhà gồm con cháu, có thể là một liều thuốc hữu hiệu với anh.

Giúp anh hiểu ra được những khó khăn mệt mỏi của chị cũng là nhiệm vụ của mọi người xung quanh. Sự hiểu biết và chấp nhận hoàn cảnh của mình sẽ giúp anh điều chỉnh được hành vi với chị và với bản thân tốt hơn. Biết đâu, một chút "mạnh tay", bớt nuông chiều một người bệnh, cũng làm cho anh hiểu rằng: nếu anh không điều chỉnh, thì anh sẽ mất tất cả.

Không đi làm nữa, không có nghĩa là trở thành người vô nghĩa. Anh chị và các cháu cũng nên tìm ra cho anh những công việc nhẹ nhàng, những hoạt động, sinh hoạt sôi nổi, năng động, cởi mở hơn với môi trường và cuộc sống xung quanh. Để anh lấy lại sự tự tin của mình.

Từng bước một, chị hãy giúp anh độc lập, vững vàng và tự chủ ngay cả khi không có chị. Để chị có thể có những chuyến du lịch, nghỉ ngơi cùng bạn bè, lấy lại năng lượng cho mình; tập cho anh tôn trọng chị, và tôn trọng cuộc sống của nhau.

Sự gần gũi có thể giúp nhau nhiều, thì sự xa cách có kế hoạch, có tính toán cũng có những tác động tốt lên mối quan hệ đang có chiều hướng bế tắc.

Sau khi làm những điều tích cực đó, lôi kéo anh vào việc tự thay đổi và kiểm soát bản thân, cho anh thêm khoảng thời gian để cân bằng tâm lý, chị sẽ có được những quyết định đúng và thanh thản.

Theo phụ nữ TPHCM