Chào đời ở vùng thảm họa
Takanari Arai, Trưởng khoa Sản phụ khoa của Trung tâm Y tế Keiju ở Nanao kể lại câu chuyện bà và các nhân viên y tế đã đỡ một ca trong tình cảnh mặt đất liên tục rung chuyển và những dư chấn. Lời cảnh báo sóng thần lớn được đưa ra, trong khi còi báo động sơ tán vẫn kêu inh ỏi.
"Đó là vào khoảng 18g30 ngày 1/1, vài giờ sau trận động đất xảy ra. Mọi thứ hỗn loạn và chúng tôi nhận được điện thoại của một thai phụ nói cô ấy bị đau bụng và đang chuyển dạ. Điều này xảy ra chỉ hơn 2 giờ sau khi trận động đất mạnh làm rung chuyển thành phố" - bác sĩ Arai nhớ lại.
|
|
Người phụ nữ trẻ sinh con tại Trung tâm Y tế Keiju ở Nanao, tỉnh Ishikawa, vào rạng sáng ngày 2/1/2024, vài giờ sau trận động đất xảy ra. Bức ảnh do bác sĩ Takanari Arai cung cấp. |
"Người phụ nữ là cư dân thị trấn Shika, cô cho nhân viên bệnh viện biết xe cấp cứu không thể đến đón cô do cảnh báo sóng thần. Vì thế, tôi đã quyết định tiếp nhận người phụ nữ đang mang thai ở tuần thứ 39 và nói với cô: “Hãy bảo vệ sự an toàn của chính mình trên đường đến đây"- nữ bác sĩ 60 tuổi nói.
Khoảng 19g30, người phụ nữ đến bệnh viện trên chiếc ô tô do chồng lái. Do các đồ vật rơi xuống sàn và nước rỉ ra từ trần nhà trong khu y tế nên các nhân viên đã nhanh chóng chuyển đổi sang một khu khác để sinh nở. Một bác sĩ gây mê cũng được gọi đến, đề phòng trường hợp phải mổ lấy thai khẩn cấp.
Hơn 2 giờ sáng ngày hôm sau, người phụ nữ hạ sinh một bé gái nặng hơn 3,1kg.
“Việc tiếp nhận người phụ nữ giữa những rủi ro đó kéo theo khả năng tôi phải chịu trách nhiệm nếu có sự cố xảy ra, nhưng để cứu sống cô ấy và đứa con, tôi quyết định cho cô ấy vào. Tôi thực sự hạnh phúc khi đứa bé đã chào đời an toàn" - Arai nói.
Tính đến ngày 4 /1, bệnh viện đã tiếp nhận 6 bà mẹ tương lai khác đang mang thai ở tuần thứ 36 trở lên.
Hy vọng mờ dần cho những người mất tích
Tính đến hết ngày 6/1, đã có gần 130 người chết và hơn 210 người vẫn chưa được tìm thấy dưới đống đổ nát. Theo Cơ quan Khí tượng, đây là trận động đất lớn đầu tiên kể từ trận động đất Kumamoto năm 2016 khiến 100 người thiệt mạng.
|
|
Cuộc tìm kiếm người mất tích vẫn tiếp tục khi bước sang ngày thứ 7 |
Hiện chưa có đánh giá tổng thể về mức độ thiệt hại sau loạt trận động đất. Trong khi đó, tình trạng đổ nát, nhiều tuyến đường bị cắt đứt và thời tiết xấu đã cản trở đáng kể các nỗ lực cứu hộ vốn đang chạy đua với thời gian.
Cơ quan Khí tượng Nhật Bản dự báo mưa lớn tại khu vực này sẽ kéo dài đến hết ngày 7/1 và sau đó sẽ có tuyết rơi.
Các tổ chức cứu trợ vẫn đang gặp khó khăn trong việc cung cấp hàng cứu trợ. Một số địa điểm hiện bị hạn chế do có quá đông người lánh nạn, hoặc khan hiếm nước sinh hoạt, dẫn tới các vấn đề về vệ sinh và sức khỏe tâm thần.
Chính quyền tỉnh Ishikawa đang có kế hoạch xây dựng nhà tạm cho những người dân bị ảnh hưởng sau động đất. Tuy nhiên, công tác này chưa thể thực hiện ngay được trong bối cảnh các dư chấn tiếp tục làm rung chuyển bán đảo Noto. Trong đó, trận động đất mới nhất xảy ra sáng 6/1 với độ lớn 5,3 được xác định ở cấp 5, mức cao thứ 3 trên thang cường độ địa chấn 7 cấp của Nhật Bản
Nhật Bản trải qua hàng trăm trận động đất mỗi năm và hầu hết không gây thiệt hại gì nhờ các quy định xây dựng nghiêm ngặt được áp dụng trong hơn 4 thập kỷ. Tuy nhiên, rất nhiều ngôi nhà tại Nhật Bản, nhất là vùng nông thôn cũ kỹ không thể chịu đựng được những dư chấn mạnh.
Đất nước này bị ám ảnh bởi trận động đất kinh hoàng vào tháng 3/2011 gây ra sóng thần khiến khoảng 18.500 người thiệt mạng hoặc mất tích và gây ra thảm họa hạt nhân tại nhà máy Fukushima.
Theo phụ nữ TPHCM