leftcenterrightdel
 Ảnh minh họa. (Nguồn: Getty Images)

Ngày 4/11, Liên minh châu Âu (EU) đã phê duyệt thuốc dự phòng nhiễm virus hợp bào hô hấp (RSV) và gây bệnh nặng ở trẻ sơ sinh.

Quyết định trên được Ủy ban châu Âu đưa ra trong bối cảnh nhiều quốc gia đang chứng kiến số ca nhiễm RSV gia tăng mạnh, qua đó gây áp lực lớn cho hệ thống y tế.

Theo thông báo của hãng dược phẩm AstraZeneca (liên doanh Anh-Thụy Điển) và Sanofi của Pháp, loại thuốc nirsevimab mà hai bên phối hợp phát triển là phương pháp điều trị đầu tiên để ngăn ngừa RSV gây bệnh trở nặng ở tất cả các bệnh nhi. Loại thuốc này được đưa ra thị trường dưới tên gọi Beyfortus.

RSV là nguyên nhân hàng đầu gây viêm phổi ở trẻ nhỏ và người cao tuổi, dẫn tới hàng nghìn ca nhập viện và tử vong mỗi năm. Bệnh nhân mắc RSV thường có các triệu chứng giống như cảm lạnh. Tuy nhiên, nhiều trường hợp có thể chuyển biến nặng, đặc biệt là ở trẻ sinh non và trẻ sơ sinh.

RSV có thể gây các bệnh nghiêm trọng ở trẻ như viêm phổi, viêm tiểu phế quản... Người trưởng thành có bệnh nền (tim mạch, phổi, hệ miễn dịch kém...) cũng có thể gặp nguy hiểm nếu nhiễm RSV.

Thuốc Beyfortus hoạt động tương tự như vaccine, đó là bảo vệ chống lại RSV bằng một mũi tiêm duy nhất. Tuy nhiên, Beyfortus là phương pháp điều trị bằng kháng thể đơn dòng, trực tiếp hỗ trợ cơ thể chống lại căn bệnh này, chứ không phải là vaccine kích hoạt các kháng thể của chính hệ thống miễn dịch.

Phó Giám đốc điều hành Sanofi phụ trách lĩnh vực vaccine - ông Thomas Triomphe, nêu rõ: "Hôm nay (4/11) là một ngày mang tính bước ngoặt trong công tác phòng chống RSV, khi những nghiên cứu kéo dài nhiều thập kỷ về một phương án bảo vệ rộng rãi chống lại RSV đã lần đầu tiên được chấp thuận trên thế giới."

Mặc dù vậy, đại diện Sanofi cho biết thuốc Beyfortus chưa có sẵn để giúp người dân ở khu vực Bắc bán cầu chống lại bệnh viêm tiểu phế quản trong năm nay, mặc dù tỷ lệ nhập viện vì căn bệnh này đã lên tới mức cao nhất lịch sử tại Pháp. Theo ông Triomphe, Beyfortus sẽ được cung cấp rộng rãi vào năm 2023.

Ngoài ra, một phương pháp dự phòng khác do AstraZeneca phát triển đã được đưa vào ứng dụng lâu nay, nhưng chỉ được khuyên dùng cho trẻ sinh non hoặc những người được coi là có nguy cơ cao bệnh trở nặng.

Hiện thế giới chưa có vaccine ngừa RSV, nhưng một số hãng dược phẩm đã ghi nhận những bước tiến trong công tác nghiên cứu sinh phẩm này. Đầu tuần này, hãng dược phẩm Pfizer của Mỹ đã công bố kết quả khả quan về vaccine ngừa RSV sau khi tiến hành thử nghiệm Giai đoạn 3, qua đó mở ra triển vọng phê duyệt vaccine này trong tương lai.

Thử nghiệm cho thấy vaccine của Pfizer có hiệu quả lên tới 82% đối với ngăn ngừa các căn bệnh do RSV gây ra có diễn biến nghiêm trọng trong 3 tháng đầu đời của trẻ.

Một báo cáo đăng trên tạp chí Lancet số tháng 8 vừa qua cũng cho thấy hơn 30 phương pháp dự phòng - bằng vaccine hoặc bằng kháng thể đơn dòng, đang được thử nghiệm lâm sàng trên thế giới.

Giới khoa học đều có chung kết luận rằng RSV là nguyên nhân gây tử vong ở trẻ sơ sinh lớn thứ hai trên toàn cầu, chủ yếu là ở các nước đang phát triển, nhưng việc ngăn chặn virus này là trong tầm tay./.

Theo vietnamplus