Theo Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (Bộ Y tế), tại VN, thực hiện chương trình dân số - kế hoạch hóa gia đình triển khai trong thời gian qua, nước ta vẫn duy trì được mức sinh thay thế trên phạm vi cả nước. Số con trung bình của một phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ (15 - 49 tuổi) là 2,1 con.

 
leftcenterrightdel
 

Theo UNFPA, trên toàn cầu ước tính có khoảng 257 triệu phụ nữ muốn tránh thai nhưng chưa sử dụng các biện pháp tránh thai an toàn, hiện đại

SHUTTERSTOCK

Tuy nhiên, mức sinh rất chênh lệch giữa các vùng miền, tỉnh thành, đặc biệt mức sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, nhu cầu kế hoạch hóa gia đình vẫn tiếp tục tăng lên.

Nhóm dân số vị thành niên/thanh niên (10 - 19 tuổi) hiện nay của nước ta là hơn 14 triệu người, chiếm 14,43% tổng dân số. Trong đó, nữ giới chiếm 48,33% tổng vị thành niên/thanh niên. Riêng nhóm tuổi từ 15 - 19 là 6,6 triệu người, chiếm 6,77% tổng dân số cả nước.

Kết quả Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ VN 2020 - 2021 cho thấy: Tỷ lệ phá thai chung được ước tính là 4,7 ca trên 1.000 phụ nữ. Mang thai ngoài ý muốn chiếm hơn một nửa số ca phá thai gần đây nhất (53,6%). 8,9% ca phá thai liên quan đến việc thất bại khi sử dụng biện pháp tránh thai. Lý do phá thai do lựa chọn giới tính thai nhi chiếm tỷ lệ 1,6%.

Tỷ lệ nữ giới từ 15 - 24 tuổi từng quan hệ tình dục trước tuổi 15 là 0,9% và nam giới là 0,2%. Tỷ lệ nữ trong độ tuổi 20 - 24 tuổi kết hôn trước 18 tuổi còn cao (14,6%). Việc kết hôn sớm dẫn đến khả năng mang thai sớm và sinh con sớm, ảnh hưởng đến cơ hội phát triển của chính vị thành niên/thanh niên.

Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình đang phối hợp với các đối tác, đơn vị tài trợ triển khai các chương trình trang bị thông tin, kiến thức về sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục, kế hoạch hóa gia đình và tình dục an toàn cho vị thành niên/thanh niên. Trong đó, quan tâm đến việc giải quyết các nhu cầu chưa được đáp ứng về bảo vệ sức khỏe của phụ nữ bao gồm cả vấn đề hạ thấp tỷ lệ mang thai ngoài ý muốn.

Theo Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA), mỗi năm, gần một nửa số trường hợp mang thai trên thế giới, tương đương 121 triệu ca, là mang thai ngoài ý muốn. Hơn 60% số trường hợp mang thai ngoài ý muốn dẫn đến việc phá thai, và ước tính khoảng 45% số ca phá thai là không an toàn, chiếm 5 - 13% số ca tử vong mẹ. “Báo cáo này là lời cảnh tỉnh cho chúng ta. Số trường hợp mang thai ngoài ý muốn quá lớn cho thấy thất bại toàn cầu trong việc bảo vệ những quyền con người cơ bản của phụ nữ và trẻ em gái”, tiến sĩ Natalia Kanem, Giám đốc điều hành của UNFPA, nhận định.

72,8% phụ nữ 15 - 49 tuổi hiện đang có chồng hoặc chung sống như vợ chồng có sử dụng biện pháp tránh thai, trong đó 59,8% sử dụng các biện pháp hiện đại và 13% sử dụng các biện pháp truyền thống.

Biện pháp tránh thai truyền thống, hay còn gọi là tránh thai tự nhiên, là biện pháp không cần dụng cụ, không dùng thuốc men hay thủ thuật nào để ngăn cản sự thụ tinh, là biện pháp dựa theo vòng kinh để tính ngày trứng rụng nhằm tránh thời gian người phụ nữ dễ thụ thai.

Trong số các biện pháp tránh thai hiện đại, đặt vòng tránh thai vẫn là biện pháp chiếm ưu thế (23,7%), sau đó là thuốc tránh thai (16%) và bao cao su nam (15,3%); thuốc tiêm, que cấy dưới da và bao cao su nữ chiếm một tỷ lệ nhỏ.

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai hiện đại thấp hơn ở phụ nữ sống ở vùng Đông Nam bộ (53,6%) và thuộc nhóm dân tộc Khmer (52,4%).

Tỷ lệ sử dụng các biện pháp tránh thai truyền thống cao hơn ở phụ nữ sống ở Tây nguyên (17,5%), vùng Đông Nam bộ (16,2%) và ở độ tuổi 40 - 49 (trên 16%).

(Nguồn: Điều tra các mục tiêu phát triển bền vững về trẻ em và phụ nữ VN 2020 - 2021)

 

Theo Thanh niên