Chính gia đình hình thành nhân cách cá nhân

Có thể nói, gia đình là một hệ thống cực kỳ quan trọng trong việc hình thành, phát triển nhân cách và tâm lý của cá nhân. Đồng thời, nhiều vấn đề tâm lý, tình trạng sức khỏe tâm thần hay các rối loạn tâm thần đều có “giả thuyết bệnh sinh” từ môi trường gia đình, đặc biệt trong các gia đình có nhiều tổn thương liên thế hệ hoặc các giá trị, niềm tin không phù hợp hay mất cân bằng về cấu trúc gia đình, vai trò của các thành viên trong hệ thống.

Tiến sĩ Lê Minh Công cho rằng tình trạng khủng hoảng, hoặc “bệnh lý” của hệ thống gia đình sẽ tác động tiêu cực đến từng thành viên, trong đó nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất chính là con cái, trẻ em
Tiến sĩ Lê Minh Công cho rằng tình trạng khủng hoảng, hoặc “bệnh lý” của hệ thống gia đình sẽ tác động tiêu cực đến từng thành viên, trong đó nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất chính là con cái, trẻ em

Trong thực tế, nhiều cá nhân phải trải qua những sang chấn hay tổn thương từ gia đình gốc như bị bạo hành bởi chính cha mẹ, ông bà của mình, nhiều cá nhân có thể bị xâm hại cả về thể chất, tinh thần hoặc tình dục bởi người trong gia đình. Tất cả điều này làm cho cá nhân không thể “trưởng thành về cảm xúc” và có thể không có tiến trình độc lập hay “cá biệt hóa bản thân” một cách hiệu quả.

Sự cá biệt hóa bản thân không hiệu quả làm cho cá nhân mang theo những “tổn thương” quá khứ vào gia đình hạt nhân mà mình đã tạo dựng cùng chồng hay vợ. Do đó, họ thường bị phụ thuộc cảm xúc hoặc lôi kéo đối phương vào hành trình tiêu cực mà họ sẽ xây dựng trong tương lai, thông qua hành vi xã hội tiêu cực như sự kiểm soát hay xung đột...

Nhiều cá nhân tạo ra “quan hệ bộ ba” bằng việc lôi kéo con cái vào những cảm xúc tiêu cực trong hôn nhân hoặc có một mối quan hệ khác ngoài chồng ngoài vợ. Ngoài ra, nhiều gia đình có sự mất cân bằng về cấu trúc cũng như vai trò của chồng hay vợ không phù hợp, như người chồng trở thành người nhu nhược, yếu đuối không còn là trụ cột của gia đình, người vợ thì trở thành người có quyền lực, thiếu đi vai trò yêu thương.

Nhiều gia đình có vợ hoặc chồng thiếu các hiểu biết, kỹ năng để trở thành người vợ hay chồng, cũng như người cha hoặc người mẹ tốt... Tất cả điều này làm gia đình hình thành nhiều khủng hoảng và gia tăng nguy cơ của một gia đình “bệnh lý”. Tình trạng khủng hoảng hoặc “bệnh lý” của hệ thống gia đình sẽ tác động tiêu cực đến từng thành viên, trong đó nhóm đối tượng dễ tổn thương nhất chính là con cái, trẻ em.

leftcenterrightdel
 Ảnh mang tính minh họa - Shutterstock

Chỉ kỹ năng làm cha mẹ là chưa đủ

Chính vì thế, việc giáo dục một đứa trẻ nói riêng, hay hình thành nhân cách nói chung cũng như phòng ngừa các tổn thương về sức khỏe tâm thần cần phải có sự kết nối hệ thống chứ không đơn giản chỉ là các kỹ năng của cha hay mẹ.

Việc đầu tiên, cha mẹ phải là những người đủ trưởng thành về cảm xúc và năng lực, điều này cũng đồng nghĩa họ phải giải quyết những gì thuộc về tổn thương cá nhân, đủ ổn định về cảm xúc và hiểu biết trước khi quyết định có một đứa trẻ.

Nhiều bạn trẻ thường kết hôn, có con bằng cảm xúc hoặc tình yêu chứ không nghĩ nhiều đến trách nhiệm và năng lực nuôi dưỡng, chăm sóc con cái. Thực tế, tôi thường nghe nhiều cặp vợ chồng trẻ nói việc họ có con không hề có trong kế hoạch của họ, họ cũng không hình dung rằng khi có con họ sẽ phải làm những gì. Điều này dẫn tới gia tăng căng thẳng khi họ phải chăm sóc, nuôi dạy một đứa trẻ, trong khi họ cũng đang có những tổn thương thời thơ ấu mà họ chưa “chữa lành”.

Ngoài ra, các bậc cha mẹ khi quyết định kết hôn và có con cũng cần phải học để có thêm kiến thức cũng như các kỹ năng trong vai trò mà mình đang phải đảm nhiệm. Chúng ta biết rằng xây dựng một gia đình hạnh phúc, khỏe mạnh là cực kỳ quan trọng, không chỉ cho chúng ta mà còn cho con cái chúng ta.

Vì thế, chúng ta không thể không đầu tư cho việc học tập để nâng cao năng lực thuộc vai trò của mình. Tại Việt Nam, hiện đã bắt đầu có những chương trình đào tạo của các tổ chức, cá nhân về giáo dục hôn nhân hay giáo dục tích cực.

Tuy vậy, các cặp vợ chồng hay cha mẹ khi tham gia còn rất ít, họ chỉ tham gia hoặc tìm kiếm trợ giúp chuyên nghiệp khi có những nguy cơ hoặc tình trạng không thể ứng phó/kiểm soát, như khi gặp tình trạng ngoại tình hay con cái gặp hành vi tiêu cực…

Việc tìm kiếm sự trợ giúp chuyên nghiệp từ các nhà tâm lý giáo dục hoặc tham vấn tâm lý cặp đôi/gia đình là rất cần thiết khi chúng ta gặp phải các nguy cơ cao như nguy cơ ly tán trong hôn nhân, xung đột cặp đôi hoặc các vấn đề hành vi của con cái như thiếu động lực học tập, xâm hại, bạo lực, nghiện...

Tuy vậy, cần phải tìm kiếm đúng nhà chuyên môn để tránh việc bị “lợn lành thành lợn què”, vì tại Việt Nam, lĩnh vực này còn khá mới mẻ, tạo điều kiện cho nhiều người không được đào tạo chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ không hiệu quả và nguy hiểm.

Theo phụ nữ TPHCM