Trước khi sinh, tinh hoàn của một bé trai được phát triển bên trong ổ bụng. Gần đến ngày sinh, các cơ quan này di chuyển qua một ống dẫn ở bẹn. Khi tất cả diễn ra bình thường, tinh hoàn sẽ rơi vào vị trí trong bìu (túi da bên dưới dương vật).

Ở một số trẻ, tinh hoàn không rơi xuống bìu trước khi sinh gọi là chứng tinh hoàn ẩn.

Đối với trẻ sinh ra trong tình trạng này, đôi khi tinh hoàn tự sa xuống bìu mà không cần can thiệp, thường là trước khi trẻ được 6 tháng tuổi. Trong các trường hợp khác, khi trẻ ngoài 6 tháng mà vẫn chưa sờ thấy tinh hoàn thì cần được điều trị hoặc phẫu thuật nếu cần thiết.

Dưới đây là một số vấn đề cha mẹ cần biết về chứng tinh hoàn ẩn ở trẻ sơ sinh và những xử trí cần thiết.

1. Tinh hoàn ẩn có phổ biến ở trẻ em không?

Tinh hoàn ẩn là bất thường về sinh dục khá phổ biến ở trẻ sơ sinh. Khoảng 1-3% bé trai sinh đủ tháng mắc chứng này khi mới sinh. Nhưng tỷ lệ này cao hơn nhiều ở các bé sinh non và nhẹ cân. Khoảng 30% trẻ em trai bị nhẹ cân thường bị ẩn tinh hoàn.

2. Nguyên nhân nào gây ra tinh hoàn ẩn?

Không ai chắc chắn điều gì gây ra tinh hoàn ở trẻ mới sinh. Sinh non đóng một vai trò nào đó, nhưng tình trạng này cũng có thể do di truyền. Có 7,5% khả năng em trai của một cậu bé bị ẩn tinh hoàn cũng có tình trạng tương tự. Tỷ lệ tăng lên 25% nếu 2 bé trai là một cặp song sinh cùng trứng.

3. Các triệu chứng của tinh hoàn ẩn là gì?

Thông thường, các bé trai có tinh hoàn ẩn không có triệu chứng đau hoặc khó chịu. Bìu của trẻ có thể nhỏ và kém phát triển.

Nếu chỉ có một tinh hoàn không xuống, bìu có thể trông không đối xứng (đầy một bên, trống một bên). Bạn cũng có thể nhận thấy rằng đôi khi tinh hoàn nằm trong bìu và những lúc khác lại không thấy (ví dụ, khi trẻ bị lạnh hoặc bị kích thích). Đây là một tình trạng được gọi là tinh hoàn co rút.

photo-1662641332562

(Ảnh minh họa)

4. Có nhiều loại tinh hoàn ẩn khác nhau không?

Trong số các bé trai bị ẩn tinh hoàn, có một số dạng khác nhau của tình trạng này:

Bẩm sinh: Một tinh hoàn không bao giờ xuống bìu. Điều này được chẩn đoán khi sinh.

Mắc phải: Khi sinh ra tinh hoàn đã nằm trong bìu nhưng sau đó lại có bất thường là không tìm thấy tinh hoàn.

Tinh hoàn biến mất: Khi một tinh hoàn hoàn toàn không có trong bìu hay trong ổ bụng thì được gọi là tinh hoàn biến mất. Trường hợp này bé trai chỉ có duy nhất 1 tinh hoàn khi lớn lên và thường không gây ra các vấn đề về nội tiết tố hoặc khả năng sinh sản.

Tinh hoàn bị co rút: Với tình trạng này, một tinh hoàn thực sự nằm trong bìu nhưng lại bị trôi lên ở vị trí bất thường (chẳng hạn như bẹn). Điều này thường do phản xạ cơ gây ra. Ví dụ, nhiệt độ lạnh có thể thúc đẩy phản xạ bình thường này và làm cho tinh hoàn tạm thời biến mất. Tình trạng tinh hoàn co rút thường không cần điều trị phẫu thuật.

5. Làm thế nào để chẩn đoán tinh hoàn ẩn?

Tinh hoàn ẩn được chẩn đoán thông qua khám sức khỏe. Tại mỗi lần khám sức khỏe cho trẻ, bác sĩ sẽ khám bộ phận sinh dục để kiểm tra vị trí của tinh hoàn.

Thông thường, siêu âm là không cần thiết, ngay cả trong những trường hợp không thể sờ thấy tinh hoàn ở bẹn. Trên thực tế, siêu âm có thể cho kết quả không chính xác về vị trí hoặc sự hiện diện hay vắng mặt của tinh hoàn.

Chỉ trong một số trường hợp hiếm hoi, siêu âm mới hữu ích, chẳng hạn như trước khi phẫu thuật cho một tinh hoàn bị lạc chỗ.

6. Điều trị tinh hoàn ẩn như thế nào?

Nếu tinh hoàn của con bạn không tự đi xuống bìu khi được 6 tháng tuổi, trẻ có thể sẽ cần được điều trị.

Trước đây, tinh hoàn ẩn được điều trị bằng cách tiêm hormone; tuy nhiên, phương pháp này không còn được khuyến khích. Thay vào đó, phương pháp điều trị hiện nay là phẫu thuật để di chuyển tinh hoàn vào bìu.

Thủ thuật này được gọi là phẫu thuật tinh hoàn. Nó có thể cần được thực hiện theo 2 giai đoạn tùy thuộc vào vị trí của tinh hoàn.

Các mục tiêu của phẫu thuật này bao gồm:

- Di chuyển tinh hoàn vào vị trí tự nhiên trong bìu.

- Giảm nguy cơ mắc các vấn đề về hormone và khả năng sinh sản tiềm ẩn.

- Giảm nguy cơ ung thư tinh hoàn.

7. Khi nào con tôi nên phẫu thuật tinh hoàn?

Vì khả năng tinh hoàn tự sa xuống sau 6 tháng tuổi là rất nhỏ, con bạn nên được điều trị khi chúng đến tuổi đó. Chờ đợi quá 2-3 năm có thể cản trở khả năng phát triển và hoạt động bình thường của tinh hoàn. Tốt nhất, nên thực hiện phẫu thuật tinh hoàn trong vòng 18 tháng đầu sau sinh.

Như với bất kỳ thủ tục phẫu thuật nào, các rủi ro của gây mê cần được xem xét cẩn thận đối với tình hình cụ thể của con bạn. Các biến chứng của phẫu thuật tinh hoàn là rất hiếm. Nó có thể được thực hiện như một thủ tục ngoại trú.

8. Nếu xoắn tinh hoàn phải làm sao?

Trong một số trường hợp, tinh hoàn bên dưới có thể bị xoắn, được gọi là xoắn tinh hoàn. Kết quả là, nguồn cung cấp máu của nó có thể bị ngừng lại, gây đau ở vùng bẹn (háng) hoặc vùng bìu.

Nếu tình trạng này không được khắc phục kịp thời, tinh hoàn có thể bị tổn thương nghiêm trọng và vĩnh viễn. Nếu con bạn có tinh hoàn ẩn và đau ở vùng bẹn hoặc bìu, hãy gọi cho bác sĩ nhi khoa hoặc đến bệnh viện cấp cứu ngay lập tức.

Theo suckhoedoisong.vn