Trang tin của hệ thống y tế Johns Hopkins Medicine (Mỹ) mới đây cho hay ngưng thở khi ngủ là một hội chứng cực kỳ nguy hiểm, có thể gây đột tử nếu không phát hiện và điều trị kịp thời.
"Ngưng thở khi ngủ xảy ra khi các cơ đường thở trên giãn ra trong khi ngủ và chèn ép đường thở, khiến bạn không nhận đủ không khí", bác sĩ Jonathan Jun, chuyên gia về phổi và giấc ngủ tại Trung tâm Rối loạn giấc ngủ Johns Hopkins, cho biết.
Ông Jonathan Jun cũng nói thêm chứng ngưng thở khi ngủ có thể khiến hơi thở của bệnh nhân tạm dừng trong khoảng 10 giây hoặc hơn mỗi lần, cho đến khi cơ thể họ bắt đầu có phản xạ và tự tìm cách thở trở lại.
"Chứng ngưng thở khi ngủ xảy ra ở khoảng 3% người có cân nặng bình thường nhưng ảnh hưởng đến hơn 20% người béo phì. Nhìn chung, chứng ngưng thở khi ngủ ảnh hưởng đến nam giới nhiều hơn nữ giới. Tuy nhiên, tỷ lệ ngưng thở khi ngủ cũng tăng mạnh ở phụ nữ sau khi mãn kinh, bệnh nhân bệnh tim hoặc tiểu đường", bác sĩ Jun cho biết.
"Người ngủ cùng giường là người dễ phát hiện chứng ngưng thở khi ngủ hơn chính bản thân người bệnh", ông Jun nói. Theo đó, bệnh nhân sẽ hay cựa mình vào ban đêm, hay sặc (đó là dấu hiệu cơ thể phản xạ để tìm cách thở lại), đang ngáy rất đều nhưng tự nhiên không thấy có tiếng động phát ra, hay thức giấc vào ban đêm, có thể đi tiểu 3-4 lần…
Bản thân người bệnh có thể tự nhận thấy thông qua các dấu hiệu như mệt mỏi sau khi ngủ dậy - vì không ngủ sâu được vào đêm trước; thức dậy với miệng khô - vì người mắc chứng ngưng thở khi ngủ có xu hướng thở bằng miệng, làm khô nước bọt. Một số khác thì thức dậy với cơn đau đầu, do thiếu oxy trong khi ngủ.
Để phòng ngừa các diễn biến nguy hiểm, các chuyên gia khuyến cáo ngay khi có những triệu chứng ban đầu, bệnh nhân nên đến các chuyên khoa hô hấp thăm khám để có phương án điều trị sớm nhất.
Theo Thanh niên