Giải mã những người chưa từng mắc COVID-19
Cập nhật lúc 23:29, Thứ bảy, 15/10/2022 (GMT+7)
Theo các nhà khoa học những người thoát khỏi nhiễm COVID-19 có thể có một gen đặc biệt, và trung bình có khoảng 30 đến 40% số người có gen may mắn này.
|
|
Những người có gen HLA-DQB1 * 06 được bảo vệ tốt hơn sau khi tiêm vắc xin COVID-19 |
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Oxford, Anh phát hiện có một đột biến gen cụ thể và nó tạo ra phản ứng kháng thể lớn hơn sau khi chủng ngừa. Theo ước tính, có khoảng 30 đến 40% số người có gen này, được gọi là HLA-DQB1 * 06. Người có gen này sẽ có protein bảo vệ, tăng cường đủ để ngăn chặn hoàn toàn các bệnh nhiễm trùng.
Theo báo cáo được được công bố trên tạp chí Nature Medicine, điều này có thể giải thích một phần lý do tại sao một số người không bao giờ bị nhiễm virus SARS-CoV-2 ngay cả khi các thành viên trong gia đình bị nhiễm virus, hoặc thậm chí là khi ngủ chung giường với người bị bệnh.
Trưởng nhóm nghiên cứu, Tiến sĩ Alexander Mentzer cho biết: "Chúng tôi đã thấy số người có kết quả dương tính với COVID-19 sau khi tiêm chủng ngày càng nhiều dù rằng họ tiêm chủng đầy đủ và tiêm tăng cường, bổ sung... nhưng có người thì chưa bao giờ nhiễm bệnh. Phát hiện của chúng tôi cho thấy mã di truyền có thể ảnh hưởng đến khả năng nhiễm hay không nhiễm theo thời gian".
Các nhà khoa học đã kiểm tra mẫu máu của mọi người trong 5 thử nghiệm khác nhau, trong đó xem xét 1.600 người trưởng thành được tiêm vắc xin Pfizer-BioNTech hoặc Oxford-AstraZeneca. Kết quả cho thấy, những người mang gen HLA-DQB1 * 06 có nhiều kháng thể hơn trong máu của họ so với những người không có gen này. Protein của những người này có khả năng bảo vệ chống lại những virus xâm nhập từ bên ngoài.
Ngoài ra, những người có gen HLA-DQB1 * 06 cũng ít có khả năng bị nhiễm trùng đột phá hơn trong 12 tháng.
Đồng trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Julian Knight nói thêm: "Từ nghiên cứu này, chúng tôi có bằng chứng cho thấy cấu tạo gen của chúng ta là một trong những lý do tại sao chúng ta có thể khác nhau về phản ứng miễn dịch sau khi tiêm chủng vắc xin COVID-19".
"Không thể tập thể dục" nên được coi là một triệu chứng COVID-19 kéo dài
Một nghiên cứu mới đây cho thấy tình trạng không thể tập thể dục như khi chưa nhiễm COVID-19 là một hiện tượng phổ biến, nó có thể cướp đi sức khỏe thể chất của con người tương đương với một thập niên. Theo các nhà nghiên cứu Mỹ, phát hiện này nên được bổ sung vào danh sách các triệu chứng liên quan đến COVID-19 kéo dài.
Ở các nghiên cứu trước đây cho thấy, đau đầu, mệt mỏi và sương mù não là những chứng bệnh phổ biến nhất, nhưng theo thời gian nhiều người nói rằng họ cũng gặp khó khăn khi tập thể dục.
Giáo sư Matthew Durstenfeld, một bác sĩ tim mạch tại Đại học California ở San Francisco, người dẫn đầu cuộc đánh giá mới, cho biết chắc chắn có bởi điều gì đó đang xảy ra.
Nhóm của ông đã xem xét khả năng chịu đựng ở những người bị COVID-19 kéo dài với những người đã từng nhiễm virus nhưng phục hồi hoàn toàn có cùng độ tuổi. Kết quả họ nhận thấy những người bị COVID-19 kéo dài hoạt động kém hơn và có sức chịu đựng tệ hơn.
Phân tích mới của các nhà khoa học Mỹ tập trung vào gần 500 người có COVID-19 kéo dài và gần 400 người phục hồi hoàn toàn, tuổi từ 39 đến 56. Những người này sẽ tham gia vào 9 thử nghiệm.Tất cả đều tham gia thực hiện bài kiểm tra khả năng tập luyện và nhịp tim của họ trên máy chạy bộ hoặc chạy xe đạp. Kết quả cho thấy, những người 40 tuổi bị COVID-19 kéo dài đã chạy bộ hoặc đạp xe như một người ở tuổi... 50.
Tiến sĩ David Systrom, một chuyên gia về phổi tại Bệnh viện Brigham và Phụ nữ ở Boston, cho rằng những người bị COVID-19 kéo dài có thể trải qua những thay đổi phân tử trong cơ, dây thần kinh và mạch máu của họ. Điều này khiến cơ thể của họ trở nên yếu hơn, sức chịu đựng kém hơn đối với việc tập thể dục, ngay cả khi họ không có gì bất thường ở phổi hoặc tim.
|
Theo phụ nữ TPHCM