1. Nguyên nhân nào gây khô mũi
Đông y gọi chứng khô mũi là "tị cả". Đây là một bệnh viêm mũi mạn tính, có thể do nhiều nguyên nhân khác nhau gây ra, trong đó thường gặp là:
- Do các chất kích thích từ bên ngoài, bao gồm khói và bụi.
- Nhiễm virus, bao gồm cảm lạnh thông thường, cúm, viêm xoang cấp tính và các bệnh khác.
- Nhiễm trùng do vi khuẩn, bao gồm viêm phổi hoặc ho gà.
- Dị ứng.
- Một số loại thuốc, bao gồm thuốc kháng histamine và thuốc thông mũi.
- Ở trong phòng khô ráo hoặc môi trường hanh khô.
- Tuổi già...
Triệu chứng chính là cảm giác mũi khô hoặc nứt nẻ. Ngoài ra, còn có thể gặp các biểu hiện:
- Ngứa
- Nghẹt mũi
- Giảm khứu giác
- Chảy máu mũi…
Khô mũi hay mũi bị khô không ảnh hưởng lớn đến sức khỏe nhưng nếu không được khắc phục có thể gây ra nhiều triệu chứng khó chịu hơn, chẳng hạn như chảy máu cam, đau đầu, nhiễm trùng xoang…
Khô mũi có thể gây khó chịu, đau đầu, chảy máu cam.
2. Biện pháp tại nhà giảm khô mũi
- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Máy tạo độ ẩm tại nhà giúp giảm bớt những khó chịu do khô mũi gây ra như ngạt mũi… Bên cạnh đó, máy tạo độ ẩm cũng có thể giúp ngăn ngừa dị ứng và các triệu chứng hen suyễn do mạt bụi và nấm mốc gây ra. Bạn nên đặt máy tạo độ ẩm trong phòng ngủ để giúp làm dịu đường mũi khô khi ngủ.
Tuy nhiên, cần vệ sinh máy tạo độ ẩm thường xuyên và giữ độ ẩm trong phòng ở mức bằng hoặc dưới 50% để ngăn chặn sự phát triển của nấm mốc và vi khuẩn.
- Hít hơi nước: Đối với những người không có máy tạo độ ẩm thì có thể sử dụng biện pháp hít hơi nước từ bát nước nóng, tắm nước nóng hoặc tắm hơi… Tuy nhiên, lợi ích của việc hít hơi nước có thể chỉ là tạm thời. Để tránh làm bỏng da, hãy đảm bảo nước không sôi hoặc quá nóng.
- Uống đủ nước mỗi ngày: Uống đủ nước là một thói quen quan trọng cần duy trì để có sức khỏe tổng thể, nhưng nó có thể đặc biệt hữu ích khi chống chọi với tình trạng khô mũi. Nguyên nhân do uống quá ít nước có thể làm khô các mô của cơ thể, bao gồm cả những mô trong đường mũi.
Uống đủ nước đơn giản uống bất cứ khi nào cảm thấy khát, ngoại trừ khi tập thể dục đặc biệt chuyên sâu. Nên uống đồ uống không chứa caffein, không cồn và không đường, có thể giúp giữ ẩm cho các mô của cơ thể, giảm khô mũi.
- Sử dụng nước muối xịt mũi: Xịt mũi bằng nước muối có thể giúp giảm khô mũi. Xịt mũi bằng nước muối giúp làm ẩm đường mũi, cải thiện dòng chất nhầy và loại bỏ các chất kích thích, chẳng hạn như bụi, chất bẩn và phấn hoa trước khi chúng có cơ hội gây viêm.
- Rửa mũi: Rửa mũi có thể giúp làm ẩm niêm mạc mũi, loại bỏ chất nhầy dư thừa và các chất gây kích ứng, làm sạch khoang mũi để có thể hấp thụ các loại thuốc khác tốt hơn hoặc ngăn ngừa khô mũi gây ra những biểu hiện khó chịu khác.
Bạn có thể sử dụng bình chuyên dụng để rửa mũi. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nên sử dụng nước đun sôi để nguội để pha dung dịch nước muối, thực hiện từng bên mũi, một cách chậm rãi, tránh để bị sặc.
3. Khô mũi khi nào cần gặp bác sĩ
Mặc dù hiếm gặp nhưng khô mũi dai dẳng có thể báo hiệu một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn, chẳng hạn như:
- Hội chứng Sjogren: Đây là tình trạng rối loạn miễn dịch này ảnh hưởng đến các tuyến tiết ra chất lỏng, chẳng hạn như nước mắt và nước bọt. Nó khiến mắt và miệng bị khô, đồng thời cũng có thể ảnh hưởng đến mũi và các bộ phận khác của cơ thể.
- Viêm mũi teo: Tình trạng này làm cho niêm mạc của đường mũi co lại và hình thành lớp vảy khô, dày bên trong mũi. Các biến chứng có thể bao gồm mất khứu giác, chảy máu cam và nhiễm trùng.
Theo suckhoedoisong.vn