Hơn 20 năm không rõ giới tính của mình

Nhắc về những hồ sơ cần xác định lại giới tính, bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Tấn Đức - Trưởng khoa Thận Niệu, Bệnh viện Nhi Đồng 2, TPHCM - không thể quên trường hợp P.T.N. (21 tuổi, ở tỉnh Kiên Giang). Ngày đó, N. đã thu hết can đảm bước vào Khoa Thận Niệu, nhìn bác sĩ với ánh mắt hy vọng, bởi chỉ nơi đây mới có thể đưa anh về với con người thật của mình. “Từ khi sinh ra, lớn lên đi học, đi làm, tôi đều phải ghi giới tính nữ trong hồ sơ. Lúc nhỏ, cha mẹ cứ bắt mặc đồ con gái, lần nào tôi cũng khóc vì không ai hiểu mình. Khi lớn lên, hàng xóm, người thân nghĩ tôi thuộc “giới tính thứ ba”, bởi ăn mặc như con trai. Lắm lúc, tôi tự hỏi bản thân mình là nam hay nữ” - anh N. chia sẻ.

leftcenterrightdel
 Bác sĩ Phan Tấn Đức kiểm tra sức khỏe cho em bé được phẫu thuật dị dạng đường sinh dục nhằm trả lại giới tính đúng

Sở dĩ anh N. cứ thắc mắc về giới tính của mình là vì từ bé, anh bị chứng lỗ tiểu thấp nên bệnh viện nhầm lẫn anh là nữ. Nhà ở vùng quê, còn nặng định kiến, vài lần anh tâm sự với người thân mình là nam liền bị gạt đi, gia đình còn mời cả thầy tới cúng, tới nỗi anh cũng lầm bản thân là nữ. Anh kể: “Năm 19 tuổi, tôi yêu bạn nữ ở nơi làm việc. Tôi rất khổ sở vì nghĩ mình thuộc “giới tính thứ ba”, cha mẹ sẽ không chấp nhận. Yêu nhau 2 năm, tôi tâm sự với người yêu về sự khác lạ của mình, bạn gái liền tìm hiểu và động viên tôi đi xác định lại giới tính”.

Sau khi kiểm tra, làm xét nghiệm, các bác sĩ xác định anh N. hoàn toàn là nam giới. Cầm giấy chứng nhận xác định giới tính thật, anh N. bật khóc, hơn 20 năm nay, anh mới biết rõ bản thân mình.

Dù đã có vợ nhưng trên các giấy tờ của anh T.V.K. (37 tuổi, ở tỉnh Đồng Nai) vẫn ghi giới tính là nữ. Anh đã đến nhiều bệnh viện với mong muốn xác định lại giới tính nam của mình. Qua thăm khám, các bác sĩ biết được anh K. đã từng được chẩn đoán lỗ tiểu thấp, đóng thấp gốc dương vật, bìu và được phẫu thuật tạo hình niệu đạo 2 lần ở một bệnh viện. Tuy nhiên, qua sinh thiết tuyến sinh dục 2 bên trong bìu, nội soi ổ bụng thám sát, xét nghiệm nhiễm sắc thể đồ… và một số nội tiết tố, Hội đồng xác định lại giới tính Bệnh viện Nhi Đồng 2 phát hiện anh K. lưỡng giới. Do nhiều tuyến sinh dục chính yếu là nam, cùng với mong muốn của anh nên hội đồng thống nhất xác định lại giới tính cho anh K. là nam. Dù vậy, anh không thể có con vì một số khiếm khuyết về sinh dục.

Anh K. chia sẻ: “Trước đây, tôi rất mặc cảm, tự ti bởi gần 40 năm tôi cứ đau đáu câu hỏi mình là ai? Từ nhỏ đến năm 15, 16 tuổi, tôi sống cuộc đời của bé gái. Lên cấp III, tôi lại mơ hồ cảm thấy mình là con trai. Rồi hơn 30 tuổi, tôi lại nghĩ hình như mình là nữ. Đến lúc gặp vợ, tôi lại nghĩ mình là nam. Mỗi lần như vậy, tôi rất tủi thân, không dám gặp ai. Không ít lần tôi rơi vào trầm cảm”.

Cần xác định giới tính sớm cho con

Từ năm 2013 đến tháng 6/2024, Bệnh viện Nhi Đồng 2 đã tiếp nhận 144 hồ sơ yêu cầu xác định lại giới tính. Đa số trẻ tới xác định lại giới tính có hình dạng bên ngoài là nam, tập trung nhiều từ 6-10 tuổi. Trong đó, có 105 trường hợp đã được cấp giấy chứng nhận xác định lại giới tính, 9 trường hợp đang chờ Hội đồng xác định lại giới tính, còn lại là hồ sơ không đủ điều kiện xác định.

Theo bác sĩ Phan Tấn Đức, có nhiều nguyên nhân làm cho trẻ bị nhầm lẫn giới tính như: nam lưỡng giới giả nữ, nữ lưỡng giới giả nam, lưỡng giới thật, trẻ vừa có buồng trứng vừa có tinh hoàn… Trong đó, thường thấy nhất là trẻ bị dị dạng đường sinh dục như lỗ tiểu đóng thấp, phì đại âm vật do tăng sản tuyến thượng thận khiến nhân viên y tế (thậm chí bác sĩ sản khoa) bị nhầm lẫn ngay khi bé chào đời.

Có các trường hợp trẻ sống với giới tính nhầm lẫn qua nhiều năm, khi bắt đầu có biểu hiện tâm lý khác với giới tính, hình thể bên ngoài mới được phát hiện và can thiệp. Một số người chỉ mới được xác định lại giới tính khi bản thân đã qua tuổi trưởng thành, chịu ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống.

Các trường hợp trẻ bị nhầm lẫn giới tính cần được phát hiện, xác định lại càng sớm càng tốt, tránh ảnh hưởng tâm lý, sự phát triển của trẻ. Ngoài ra, nếu bị dị dạng đường sinh dục, trẻ có thể được can thiệp trong giai đoạn 4-6 tuổi. Một số trường hợp đặc biệt như song tính, lưỡng tính… cha mẹ cần chờ đợi trẻ lớn hơn (khoảng 12-15 tuổi), khi trẻ biết được giới tính thật sự của mình, cha mẹ sẽ cùng trẻ chọn lựa. “Xác định lại giới tính thật khác với chuyển đổi giới tính. Tức là khi một người gửi hồ sơ yêu cầu xác định lại giới tính, sẽ được thực hiện các xét nghiệm như: siêu âm, nội soi, chụp CT, MRI, xét nghiệm nhiễm sắc thể giới tính, nội tiết, gen biệt hóa tinh hoàn… sau đó mới có kết luận về giới tính. Bệnh viện không có quyền xác định giới tính cho người chuyển giới” - bác sĩ Phan Tấn Đức nói.

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Ngọc Thạch - Phó giám đốc Bệnh viện Nhi Đồng 2 - khuyến cáo, trong thời gian trẻ nghi ngờ, cảm thấy bản thân khác với các bạn, cha mẹ cần bình tĩnh, lắng nghe và đồng hành cùng con để trẻ sớm được “biết mình là ai”. Khi nghi ngờ nên thăm khám bác sĩ tiết niệu nhi. “Thực tế vẫn còn nhiều phụ huynh cảm thấy khó chia sẻ với trẻ về vấn đề giới tính, điều này càng làm cho trẻ hoang mang. Việc suốt thời gian dài bị nhầm lẫn giới tính sẽ làm trẻ khó khăn khi tiếp xúc với bạn bè trong quá trình đi học. Trẻ thu rúc, khó hòa nhập, khó thành công trong cuộc sống” - bác sĩ Phạm Ngọc Thạch nói.

Khi nào một người được quyền xác định lại giới tính?

Đến nay, Bệnh viện Nhi Đồng 2 là nơi duy nhất khu vực phía Nam được phép can thiệp y tế xác định lại giới tính. Việc xác định lại giới tính của một người được thực hiện trong các trường hợp:
- Giới tính bị khuyết tật bẩm sinh: bất thường ở bộ phận sinh dục của một người khi mới sinh ra, biểu hiện ở một trong các dạng như nữ lưỡng giới giả nam, nam lưỡng giới giả nữ hoặc lưỡng giới thật.
- Chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ giới tính: chưa thể phân biệt được một người là nam hay nữ xét về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể giới tính.
Người được xác định lại giới tính có quyền đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định.

Theo phụ nữ TPHCM