leftcenterrightdel
 Hình ảnh của đoàn thể thao Việt Nam tại lễ khai mạc Olympic Paris 2024, tay vợt cầu lông Lê Đức Phát là người cầm cờ - Ảnh: AFP

Bất chấp trời mưa, hơn 1,5 tỉ khán giả trên thế giới đã được chiêm ngưỡng màn diễu hành của các vận động viên, nhiều tiết mục trình diễn của các nghệ sỹ, cùng bữa tiệc âm thanh, ánh sáng và màu sắc có một không hai của thế vận hội đầu tiên được tổ chức ngoài trời, trên sông nước.

Mặc dù thời tiết không ủng hộ nhưng đông đảo khán giả, người mặc áo mưa, người che ô, đã ngồi kín các khán đài, trên những cây cầu trung tâm, và các cửa sổ tòa nhà hai bên bờ sông Seine.

Tháp Eiffel nổi bật với biểu tượng của Olympic - Ảnh: REUTERS

Đúng 19h30 giờ địa phương (00h30 ngày 27/7 theo giờ Hà Nội), Lễ khai mạc Thế vận hội mùa Hè Paris (JOP 2024) đã bắt đầu bằng màn rước đuốc từ Sân vận động Stade de France đi qua các danh lam thắng cảnh nổi tiếng của thủ đô Paris để đến Quảng trường Trocadéro, nơi Tổng thống Emmanuel Macron cùng hơn 160 nguyên thủ quốc gia và quan chức đến từ nhiều nước trên thế giới có mặt để chứng kiến lễ khai mạc, trong đó có Thủ tướng Đức Olaf Scholz, Vua Tây Ban Nha Felipe VI, Tổng thống Bồ Đào Nha Marcelo Rebelo de Sousa, Tổng thống Argentina Javier Milei, Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jill Biden...

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Chủ tịch Ủy ban Olympic Việt Nam Nguyễn Văn Hùng và Đại sứ Việt Nam tại Pháp Đinh Toàn Thắng đã tham dự Lễ Khai mạc JOP 2024.

Olympic Paris 2024 là kỳ thế vận hội đầu tiên tổ chức lễ khai mạc trong không gian mở dọc sông Seine. Khoảng 100 chiếc thuyền lớn, nhỏ chở thành viên của các đoàn thể thao diễu hành trên đoạn sông dài 6km chảy qua trung tâm thủ đô Paris.

Là đội tuyển có số VĐV tham dự đông đảo nhất ở Olympic Paris 2024, Mỹ cũng là đoàn thể thao có nhiều VĐV nữ nhất với 338 người. Ảnh: AFP

Đoàn diễu hành đi qua một số cây cầu và những địa danh mang tính biểu tượng của nước Pháp như Nhà thờ Đức Bà, Bảo tàng Louvre và nhiều điểm tổ chức Thế vận hội như Quảng trường Concorde, Bảo tàng Invalides, Cung điện Grand Palais và Cầu Iena.

Đoàn thể thao Việt Nam tham gia lễ diễu hành với 10 thành viên, trong đó có 6 vận động viên gồm: Nguyễn Thùy Linh, Lê Đức Phát (cầu lông); Phạm Thị Huệ (rowing); Nguyễn Thị Thật (xe đạp); Lê Quốc Phong, Đỗ Thị Ánh Nguyệt (bắn cung).

Hai vận động viên Lê Đức Phát (cầu lông), Nguyễn Thị Thật (xe đạp) vinh dự nhận nhiệm vụ cầm cờ cho Đoàn thể thao Việt Nam tại Lễ Khai mạc.

Người phụ nữ trong bộ áo giáp đầy bí ẩn cưỡi ngựa trên sông Seine, sau đó tiến đến sân khấu chính để chuẩn bị nghi thức thượng cờ Olympic. Theo báo chí Pháp, nhân vật bí ẩn này là bà Floriane Issert, người thuộc Lực lượng Hiến binh Đặc nhiệm Pháp. Ảnh: AFP

Điểm kết thúc của đoàn diễu hành là Quảng trường Trocadéro, đối diện với Tháp Eiffel, nơi diễn ra các nghi lễ chính thức.

Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) Thomas Bach cùng Tổng thống Macron đã tuyên bố khai mạc Olympic Paris 2024, Thế vận hội mùa Hè lần thứ 33.

Lễ Khai mạc khép lại khi ngọn lửa Olympic cất cánh cùng quả khinh khí cầu từ Vườn hoa Tuleries, trong âm hưởng của bài hát “La vie en rose” (Cuộc sống màu hồng) được thể hiện qua giọng ca huyền thoại Céline Dion.

Nam võ sĩ judo Teddy Riner và nữ VĐV điền kinh Marie-Jose Perec là những người châm đuốc Olympic Paris 2024. Họ châm đuốc và ngọn lửa bùng cháy đẩy một khinh khí cầu bay lên.

Khí cầu giữ đuốc Olympic Paris 2024 nhìn từ xa - Ảnh: REUTERS

Do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên các khán giả không có cơ hội chứng kiến khung cảnh hoàng hôn diễm lệ và lãng mạn trên sông Seine của kinh đô ánh sáng Paris như trong kịch bản của Đạo diễn Thomas Jolly (Pháp).

Mặc dù vậy, hơn 10.000 vận động viên, 500.000 khán giả trực tiếp, cùng 1,5 tỷ khán giả truyền hình trên thế giới đã được trải nghiệm những khoảnh khắc tuyệt vời và khó quên của sự kiện độc đáo nhất hành tinh này.

Ca sĩ Lady Gaga biểu diễn tiết mục văn nghệ đầu tiên tại lễ khai mạc - Ảnh: GETTY

Olympic Paris 2024 diễn ra từ ngày 26/7 đến 11/8 với sự tham dự của 10.700 vận động viên, đại diện cho 206 đoàn tranh tài ở 32 môn thi đấu, với 329 nội dung. Việt Nam có 16 vận động viên tranh tài ở 19 nội dung, với mục tiêu giành được ít nhất 1 huy chương.

Trong 19 ngày sôi động của Thế vận hội, khoảng 300 sự kiện sẽ được tổ chức, dự kiến thu hút khoảng 10 triệu lượt khán giả đến xem trực tiếp.

Để đảm bảo an toàn cho sự kiện thể thao lớn nhất hành tinh này, Ban tổ chức Olympic Paris 2024 đã bố trí 45.000 nhân viên an ninh ở các địa điểm khác nhau, trong đó có 2.000 cảnh sát nước ngoài.

Olympic Paris 2024 gần đạt được sự cân bằng giới tính hoàn hảo

Trong quá khứ, những VĐV nam luôn áp đảo số VĐV nữ tham gia các đại hội thể thao, và Olympic cũng không ngoại lệ. Đây là nỗi trăn trở của Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) suốt nhiều năm qua.

IOC đặt mục tiêu cân bằng giới tính tại các kỳ Olympic. Và ở Olympic Paris 2024, các thống kê chỉ ra, tỷ lệ cân bằng giới đã đạt đến mức gần như hoàn hảo. IOC cho biết trong 329 nội dung tranh huy chương ở Paris có 157 nội dung dành cho nam, 152 nội dung cho nữ và 20 nội dung đôi nam nữ.

Trong số 32 môn thi tranh tài, có đến 28 môn xuất hiện đủ nội dung cho cả nam và nữ, bao gồm môn thi mới là breakdance. Hiện thể dục nhịp điệu là nội dung duy nhất chỉ dành cho nữ giới.

Đoàn thể thao Tây Ban Nha chụp ảnh selfie trước thềm lễ khai mạc - Ảnh: REUTERS

*:last-child]:mb-0" style="margin-bottom: 15px; padding: 20px; border: 0px solid rgb(229, 231, 235); text-align: start;">

Số lượng VĐV tham dự Olympic Paris 2024 cũng gần đạt mức cân bằng. Theo IOC, có tổng cộng 11.215 VĐV đến Paris, bao gồm cả VĐV dự bị. Trong đó có 5.712 VĐV nam và 5.503 VĐV nữ, đạt tỷ lệ 51%-49%.

Là đội tuyển có số VĐV tham dự đông đảo nhất ở Olympic Paris 2024, Mỹ cũng là đoàn thể thao có nhiều VĐV nữ nhất với 338 người. Xếp ngay sau là chủ nhà Pháp với 293 VĐV, Australlia có 276 VĐV trong khi Trung Quốc là 259 VĐV nữ.

Việt Nam cũng là một quốc gia có số VĐV nữ đông áp đảo so với VĐV nam. Trong số 16 VĐV đạt tiêu chuẩn tham dự Olympic, đoàn thể thao Việt Nam có đến 12 VĐV nữ và chỉ 4 VĐV nam.

Lãnh đạo, VĐV, HLV đoàn thể thao Việt Nam tham dự Olympic Paris 2024 chuẩn bị tham gia lễ khai mạc - Ảnh: TTVN

Đây là một thành tích đáng khích lệ với Olympic Paris 2024 khi tỷ lệ cân bằng giữa 2 giới tính gần như đã đạt đến mức cân bằng. Đáng chú ý, Paris 1900 cũng là lần đầu tiên những VĐV nữ được phép tranh tài ở Olympic. Ở giải đấu năm đó, 22 VĐV nữ đã tham gia giải đấu, chỉ chiếm 2,2% tổng số VĐV tham gia.

Để có thành quả như ngày nay, IOC đã trải qua quá trình đấu tranh lâu dài. Qua từng năm, họ tìm cách giảm bớt các nội dung tranh chấp huy chương của nam và chuyển sang cho nữ, nhằm yêu cầu các đoàn thể thao phải chú trọng hơn đến phát triển thể thao nữ.

Đặc biệt là từ năm 1984, thể dục nhịp điệu và bơi nghệ thuật được thêm vào nội dung thi đấu Olympic. Đây là những môn thi chỉ dành cho các VĐV nữ. Phải đến Paris 2024, những VĐV nam mới được phép tham dự nội dung bơi nghệ thuât. Tuy nhiên đã không VĐV nam nào được chọn đi thi đấu.

IOC thậm chí còn gây áp lực lên các đội Olympic vốn chỉ cử nam giới tham gia như Saudi Arabia, Qatar hay Brunei để những VĐV nữ các nước này được tham dự giải. Kết quả là tại London 2012, những quốc gia trên cũng tạo cơ hội cho các VĐV nữ của mình tham dự giải, điều này giúp tổng số VĐV nữ tham dự giải đạt mức 44,2% trên tổng số VĐV.

Tại Rio de Janeiro 2016, con số tăng lên 45%. Tại Olympic Tokyo 2020 là 48% và giờ ở Paris 2024 là 49%. IOC kỳ vọng sẽ sớm đạt được sự cân bằng hoàn hảo trong những kỳ Olympic tiếp theo.

PV (tổng hợp)/Nguồn: TTXVN, VTV