|
|
Hình ảnh AI mô phỏng diện mạo của một người khi ngủ đủ 7 giờ mỗi đêm (trái) và khi bị thiếu ngủ (phải). (Nguồn: Simba Sleep) |
Mắt thâm quầng, làn da chảy xệ, xỉn màu và nhăn nheo… đó là những gì AI mô phỏng gương mặt của bạn khi bạn không ngủ đủ 7 tiếng mỗi đêm – những chi tiết bạn rất dễ lướt qua khi soi gương hàng ngày và chỉ nhận ra khi hậu quả đã quá rõ rệt.
Simba Sleep, một công ty Anh chuyên về các sản phẩm hỗ trợ giấc ngủ, mới đây đã thực hiện một cuộc khảo sát với 2.000 người từ 18 tuổi trở lên tại Xứ sở Sương mù để khám phá về thói quen ngủ đêm tác động như thế nào đến diện mạo của họ.
Các dữ liệu khảo sát được xử lý bởi Sleep Deprivation Avatar, một công cụ tạo hình ảnh AI. Sau đó, Sleep Deprivation Avatar đã tạo ra những hình ảnh sống động y như thật của những người sau một đêm ngủ ngon và chính họ sau một đêm thiếu ngủ.
Hình ảnh AI về những người ngủ đủ giấc cho thấy họ có diện mạo tươi tỉnh, da căng và ít nếp nhăn. Ngược lại, Sleep Deprivation Avatar mô phỏng diện mạo của những người thiếu ngủ có tới 16 dấu hiệu trên khuôn mặt bị tác động, trong đó rõ rệt nhất là quầng thâm và bọng mắt, nếp nhăn, nổi mụn, da xỉn màu, da khô, da chảy xệ...
Những thay đổi tiêu cực về ngoại hình này xuất hiện ở tất cả những người thực hiện khảo sát, không phân biệt giới tính và độ tuổi, khi họ ngủ không ngon giấc.
Tuy nhiên, mối tương quan giữa giấc ngủ kém với diện mạo ở nhóm những người trẻ tuổi cao hơn hẳn so với nhóm lớn tuổi hơn.
20% thanh niên từ 18-24 tuổi cho biết da họ bị khô và và bong tróc sau khi ngủ chưa đầy 7 giờ; trong khi con số này ở nhóm 25-34 tuổi là 17% và nhóm lớn tuổi hơn nữa chỉ là 13%.
Tương tự, 29% số người thuộc thế hệ Z được hỏi cho biết họ xuất hiện bọng mắt sau một đêm mất ngủ, so với mức trung bình 20% ở các nhóm tuổi khác.
|
|
Hình ảnh AI cho thấy chất lượng giấc ngủ ảnh hưởng đến làn da như thế nào. (Nguồn: Simba Sleep) |
Lisa Artis, Phó Giám đốc điều hành của Tổ chức từ thiện The Sleep Charity, đối tác của Simba, cho biết: “Ngủ không đủ giấc trong thời gian dài có thể ảnh hưởng xấu cho cả thể chất và tinh thần, đặc biệt làn da của bạn sẽ gánh hậu quả rõ rệt nhất, bất kể bạn ở độ tuổi nào.”
Lisa giải thích rằng cơ thể bạn coi một đêm thiếu ngủ là một "trường hợp khẩn cấp ở mức độ thấp," gây ra sự gia tăng hormone cortisol (hormone căng thẳng). Phản ứng này sẽ đưa máu và chất dinh dưỡng ra khỏi da và hướng tới các cơ quan chính, dẫn đến quầng thâm mắt, da nổi mụn và các tình trạng da trầm trọng khác.
Giấc ngủ có tác dụng giúp cơ thể tái tạo năng lượng, sửa chữa và giữ cân bằng hormone của mỗi người. Nếu không ngủ đủ giấc, quá trình luân chuyển tế bào sẽ bị chậm lại khiến làn da bị xỉn màu và khó phục hồi.
Bên cạnh đó, nếu không có giấc ngủ REM quan trọng, cơ thể chúng ta sẽ sản xuất ít collagen hơn (cần thiết cho làn da mịn màng) và việc giải phóng hormone tăng trưởng somatotropin (cần thiết để duy trì độ đàn hồi của da) cũng chậm lại.
Trong trường hợp này, không có gì ngạc nhiên khi ngay cả những loại kem mắt đắt tiền nhất cũng không thể khiến bạn trông khá hơn.
|
|
Một trong những hậu quả nghiêm trọng của việc thiếu ngủ là có thể gây vô sinh cho phụ nữ trẻ. (Nguồn: Getty Images) |
Thiếu ngủ không chỉ ảnh hưởng xấu tới làn da mà còn dẫn đến một số vấn đề sức khỏe khác.
Tiến sỹ Pravin Naphade, một nhà thần kinh học người Ấn Độ, cảnh báo phụ nữ không nên ngủ quá ít. Giấc ngủ rất quan trọng để đảm bảo cho sức khỏe lâu dài, nhưng nó đã bị xem nhẹ khi nhịp sống hiện đại ngày càng hối hả.
Nhiều người có giấc ngủ kém có thể do căng thẳng, chế độ ăn uống không lành mạnh hoặc dành quá nhiều thời gian sử dụng các thiết bị điện tử - những điều này đang ngày càng phổ biến trong cuộc sống ngày nay.
Tiến sỹ Naphade đặc biệt lưu ý hậu quả tiêu cực của việc thiếu ngủ đối với những phụ nữ trẻ, trong đó vô sinh là một trong những "hậu quả đáng lo ngại nhất" do sự mất cân bằng hormone phụ thuộc vào chất lượng giấc ngủ.
Các tác động tiêu cực khác bao gồm các vấn đề về tim, đột quỵ, trầm cảm và bệnh Alzheimer. Những tình trạng này đều liên quan đến việc thiếu ngủ.
Ngoài những vấn đề sức khỏe nghiêm trọng đó, các chuyên gia y tế còn cảnh báo rằng thiếu ngủ cũng có thể làm suy giảm hoạt động hàng ngày và gây nguy hiểm cho sức khỏe não bộ./.
Theo vietnamplus