leftcenterrightdel
Ảnh minh hoạ 

Nhóm của ông Hosseini đã tổng hợp dữ liệu từ 16 nghiên cứu trong thời gian từ tháng 1/2000 đến tháng 5/2023, với hơn 1 triệu tình nguyện viên không có tiền sử huyết áp cao từ 6 nước. Họ được theo dõi trung bình trong 5 năm. Nhóm tác giả phát hiện ra rằng thời gian ngủ ngắn dưới 7 giờ có liên quan đến nguy cơ mắc bệnh huyết áp cao hơn 7%. Ngoài ra, ngủ ít hơn 5 tiếng có thể làm tăng nguy cơ lên 11%.

Kubanych Takyrbashev - cố vấn y tế và sức khỏe tại Đài quan sát Chính sách và Hệ thống y tế Bắc Mỹ (NAO) - chỉ ra 3 cách mà giấc ngủ có thể ảnh hưởng đến huyết áp: kích hoạt hệ thần kinh giao cảm, gây mất cân bằng nội tiết tố và phản ứng viêm. Ông giải thích: “Khi chúng ta ngủ không đủ giấc, cơ thể sẽ coi đó là một tác nhân gây căng thẳng, dẫn đến sự gia tăng hoạt động của hệ thần kinh giao cảm. Hệ thống này chịu trách nhiệm về phản ứng “chiến đấu hoặc bỏ chạy” và dẫn đến việc giải phóng nhóm hoóc môn gây căng thẳng như adrenaline và cortisol”. Những hoóc môn này có thể làm tăng nhịp tim, thắt chặt mạch máu, tạo ra sức cản lớn hơn đối với lưu lượng máu và làm tăng huyết áp.

Ngoài ra, ngủ không đủ giấc cũng có thể tạo ra sự mất cân bằng nội tiết tố. Renin và aldosterone, những hoóc môn giúp điều chỉnh cân bằng chất lỏng và điện giải, có thể bị rối loạn điều hòa, khiến mức natri trong máu tăng lên, góp phần làm tăng huyết áp. Cuối cùng, thiếu ngủ mạn tính có liên quan đến tình trạng viêm gia tăng, làm tổn thương lớp nội mô của mạch máu, khiến chúng dễ bị tích tụ mảng bám. Điều này dễ khiến các động mạch hẹp hơn, hạn chế lưu lượng máu, đẩy huyết áp tăng cao.

Theo phụ nữ TPHCM