leftcenterrightdel
Quả lê, nhất là lê vỏ đỏ có nhiều chất có thể giúp hạ đường huyết, ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường. Ảnh: Kiều Vũ 

Đường huyết được kiểm soát

Quả lê có chỉ số GI (chỉ số đường huyết) thấp là 38 và chứa đến 87% nước, chứa nhiều vitamin, chất xơ giúp kiểm soát đường huyết, đặc biệt là lê có vỏ màu đỏ. Đặc biệt, hợp chất thực vật polyphenol trong loại quả này giúp hạ đường huyết rất tốt.

Vì chỉ số GI thấp nên quả lê giúp kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn, ít gây tác động đến lượng đường huyết sau khi ăn.

Lê chứa nhiều chất xơ hòa tan, giúp làm chậm quá trình tiêu hóa carbohydrate. Do đó giúp kiểm soát lượng đường trong máu hiệu quả hơn. Chất xơ trong quả lê cũng giúp tạo cảm giác no lâu, hỗ trợ giảm cân và kiểm soát lượng calo nạp vào.

Bổ sung quả lê trong chế độ ăn còn cung cấp cho người bệnh tiểu đường các hoạt chất như Anthocyanin, Vitamin C, Vitamin K, Vitamin A, cùng nhiều chất oxy hóa khác để giúp ngăn ngừa chứng viêm nhiễm, tổn thương do stress oxy hóa tế bào. Các tác động này góp phần hỗ trợ làm giảm tối đa nguy cơ mắc các biến chứng về viêm, loét của bệnh tiểu đường. Ngoài ra các chất như Zeaxanthin, Lutein trong quả lê là hoạt chất tốt cho mắt, giúp cải thiện thị lực, cải thiện các biến chứng về mắt ở người tiểu đường.

Bệnh tiểu đường nên ăn lê theo cách nào

Một số nghiên cứu chỉ ra rằng ăn quả lê 5 lần/tuần cũng giúp cải thiện độ nhạy của insulin và ngăn ngừa biến chứng của bệnh tiểu đường tuýp 2.

Thời điểm ăn quả lê tốt: Có thể chia nhỏ lượng lê trong ngày và ăn vào các bữa phụ như ăn 1 - 2 miếng lê sau khi ăn sáng 30 phút và 2 - 3 miếng còn lại vào bữa phụ buổi chiều.

Mặc dù lê tốt cho người tiểu đường nhưng cần lưu ý ăn với lượng vừa phải. Theo khuyến cáo, người tiểu đường nên ăn khoảng 1 quả lê cho mỗi lần ăn, tức là khoảng 125g.

Khi ăn lên nên ăn cả quả, không nên uống nước ép lê. Vì nước ép lê sẽ làm tăng nồng độ đường và giảm lượng chất xơ cần thiết.

Theo laodong