|
|
Hàng chục ngàn sinh viên y khoa Trung Quốc cho biết phải chịu nhiều hành vi ngược đãi tại nơi làm việc - Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong một bài báo được công bố trên tạp chí y khoa JAMA gần đây, hầu hết sinh viên y khoa ở Trung Quốc đều từng trải qua sự ngược đãi tại nơi làm việc, điều này ảnh hưởng đến cách họ nhìn nhận vai trò của mình trong nghề.
Các nhà nghiên cứu cho biết hơn 84% sinh viên tốt nghiệp tham gia cuộc khảo sát chia sẻ đã trải qua ít nhất một hình thức ngược đãi trong quá trình đào tạo.
Kết quả này cao hơn nhiều so với 46% sinh viên tốt nghiệp từng báo cáo về hành vi tương tự trong cuộc khảo sát năm 2016–2017 do Hiệp hội các trường Cao đẳng Y khoa Hoa Kỳ thực hiện.
71% trong số hơn 94.000 sinh viên tham gia cuộc khảo sát cho biết họ bị bệnh nhân đối xử tệ bạc, trong khi 61% cho biết họ phải thực hiện các yêu cầu của các bác sĩ cấp cao, ngoài phạm vi công việc.
25,9% sinh viên cũng cho biết họ bị làm nhục trước đám đông, trong khi 38,2% cho rằng bản thân bị đối xử bất công và 48,9% cho biết từng bị quấy rối một cách cố ý.
Một sinh viên giấu tên chia sẻ: “Các bác sĩ giám sát có thể yêu cầu chúng tôi chạy việc vặt, trông trẻ hoặc chơi thể thao với họ. Đôi khi chúng tôi thậm chí còn được yêu cầu làm nhiệm vụ ngoại trú, làm gián đoạn thời gian học tập và ảnh hưởng đến việc nghỉ ngơi”.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Bắc Kinh cho rằng: "Việc yêu cầu sinh viên y khoa hoàn thành các nhiệm vụ không liên quan đến hoặc vượt quá phạm vi học tập của họ được cho là hành vi phổ biến tại các bệnh viện. Mặc dù không liên quan đến việc lăng mạ trực tiếp bằng lời nói hoặc gây tổn hại về thể chất, nhưng điều này thể hiện sự lạm dụng quyền lực, trong đó cấp trên sử dụng quyền hạn của mình đối với sinh viên".
Nghiên cứu tập trung vào những sinh viên tốt nghiệp chương trình đại học y khoa 5 năm thông thường của Trung Quốc, phân tích dữ liệu từ năm 2019-2022. Tổng cộng có 94.153 sinh viên y khoa từ 135 trong số 202 trường y khoa của Trung Quốc tham gia cuộc khảo sát.
Các tác giả của bài báo cho biết việc ngược đãi thường được hợp lý hóa như một cách giúp sinh viên trở thành bác sĩ giỏi hơn. Điều này có thể dẫn đến một vòng luẩn quẩn, vì “những sinh viên từng bị ngược đãi có khả năng sẽ ngược đãi trở lại những sinh viên và bệnh nhân tương lai của mình".
Theo phụ nữ TPHCM